Tiếng Việt / Tiếng Anh
Huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) được thành lập tháng 6 năm 2005 theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ trên cơ sở tách ra từ huyện Tuy Hòa cũ. Đến ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số: 931/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Đông Hòa và các phường thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Kể từ ngày 01/6/2020, thị xã Đông Hòa chính thức đi vào hoạt động.
Trước đây, khi Đông Hòa còn nằm trong huyện Tuy Hòa, thì tên gọi Tuy Hòa đã có từ năm 1611, khi đó huyện lỵ đóng tại Phú Thứ. Năm 1963 chính quyền Sài Gòn chia quận Tuy Hòa thành 2 quận Tuy Hòa và Hiếu Xương, sau năm 1975 quận Hiếu Xương đổi thành huyện Tuy Hòa. Năm 1977 thị xã Tuy Hòa được nhập chung vào với huyện Tuy Hòa, nhưng một năm sau lại tách ra. Và đến năm 2005 huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) chính thức được thành lập sau khi được tách ra từ huyện Tuy Hòa.
Căn cứ các nguồn sử liệu và di chỉ khảo cổ học khai quật gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa là một vùng đất được hình thành từ lâu đời.
Những di tích khảo cổ như Gò Ốc (Sông Cầu), phát hiện trống đồng ở Hòa Tân… chứng tỏ cư dân Tuy Hòa nói riêng và cư dân Phú Yên nói chung đã có một nền văn hóa bản địa rất rõ nét; có chung một trình độ, một sắc thái “văn hóa tiền Sa Huỳnh” của cư dân vùng ven biển miền Trung.
Tuy vậy, đến năm 1471 mảnh đất Tuy Hòa ngày nay mới chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Đó là lúc vua Lê Thánh Tông hành quân đến núi Đại Lãnh và cho lấy núi Đá Bia làm ranh giới nước Đại Việt với Chiêm Thành còn lại. Đến năm Mậu Dần (1578) ông Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài khẩn đất hoang ở Đà Diễn: “Năm Tân Hợi (1611), người Chiêm xâm lấn Biên Cảnh, vua sai chủ - sự là Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa”.
Như vậy, Tuy Hòa là tên chính thức một đơn vị hành chính xưa nhất trên đất này, đồng thời với các tên Phú Yên, Đồng Xuân. Tuy Hòa thời ấy rộng lớn bao gồm cả Thị xã Tuy Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh hiện nay.
Theo địa bạ lập năm Minh Mệnh 11-12 (1830-1831), huyện Tuy Hòa có 3 tổng:
1. Tổng Thượng: có 14 thôn và 4 xã.
2. Tổng Trung: có 20 thôn, 3 xã, 3 châu và 1 phường.
Theo Tổng niên giám Đông Dương, 1910 Phủ Tuy Hòa có 6 tổng (như trên) với 109 xã thôn, 12.255 suất sinh.
Sau cách mạng Tháng Tám, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương sáp nhập tổng Hòa Mỹ vào khu Đồng Bò thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, nhập các thôn thành xã lớn, bỏ cấp tổng - đơn vị hành chính trước đây - và chia Phủ Tuy Hòa thành 2 chiến khu (năm 1946). Huyện Tuy Hòa là chiến khu I.
Tháng 10/1947, nhập 2 chiến khu I và chiến khu II thành huyện Tuy Hòa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945 - 1975) huyện Tuy Hòa còn có tên là huyện Tuy Hòa 1. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Tuy Hòa 1 được đổi tên thành huyện Tuy Hòa.
Đối với ngụy quyền Sài Gòn, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 27/5/1958, ban hành sắc lệnh cải tổ hành chính, bỏ danh xưng Phủ và Huyện, nhất loạt gọi là Quận.
Quận Tuy Hòa gồm 16 xã; quận lỵ đặt ở thị xã Tuy Hòa.
1. Tuy Hòa.
2. Hòa Quang.
3. Hòa Thành.
4. Hòa Xuân.
5. Hòa Đồng.
6. Hòa Phong.
7. Hòa Kiến
8. Hòa Định.
9. Hòa Vinh.
10. Hòa Tân.
11. Hòa Mỹ.
13. Hòa Thắng.
14. Hòa Hiệp.
15. Hòa Bình.
16. Hòa Thịnh.
Ngày 12/7/1962, ngụy quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 723NV, thành lập quận Hiếu Xương quận lỵ, đặt tại xã Hòa Phong. Quận này có 7 xã:
1. Đức Thành.
2. Hòa Đồng
3. Hòa Thịnh.
4. Hòa Phong.
5. Hòa Mỹ.
6. Hòa Tân.
7. Hòa Bình.
Ngày 21/12/1962, ngụy quyền Sài Gòn lại ban hành Nghị định số 304 TTF/ĐUHC, nhập vào quận Hiếu Xương 4 xã:
- Hòa Thành.
- Hòa Vinh.
- Hòa Hiệp.
- Hòa Xuân.
4 xã trên nguyên thuộc huyện Tuy Hòa.
Theo thống kê đơn vị hành chính năm 1964, quận Hiếu Xương có diện tích 994,70km2; dân số 88.947.
Đông Hòa ngày nay là thị xã đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên. Bắc giáp thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Nam giáp tỉnh Khánh Hòa và biển Đông. Tây giáp huyện Tây Hòa. Đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển gần 50 km kéo dài từ Đông Tác đến đảo Hòn Nưa.
Diện tích: 26.828,46 ha. Dân số: 114.993 người
Bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 05 phường: Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Tây và 05 xã: Hòa Thành, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm.
Thị xã Đông Hòa là nơi hội tụ của nhiều tuyến đường giao thông, nơi có đường sắt và Quốc lộ 1A chạy suốt chiều dài của huyện; có tỉnh lộ 645 nối với huyện Tây Hòa và tỉnh Đắc Lắc; có cảng đa năng Vũng Rô được xây dựng lại bao gồm khu cảng xăng dầu, cảng phục vụ vận tải hàng hóa và khu cảng hậu cần dịch vụ nghề cá.
Phía Nam thị xã có dãy núi Đèo Cả, trên đó có những đỉnh núi cao như: núi Đá Bia (706m), núi Chúa (1310m), núi Hòn Gìu (1470m), hòn Kỳ Đà (1139m), Hòa Chao (741m), Hòa Bà (586m).
Trên địa bàn thị xã có sông Bàn Thạch nằm ở phía Nam thị xã chảy ra biển qua cửa Đà Nông, cùng nhiều điểm di tích lịch sử danh thắng như hồ Hảo Sơn - còn gọi là Biển Hồ, dãy núi Đèo Cả và núi Đá Bia - còn gọi là Thạch Bi Sơn, Mũi Điện - còn gọi là mũi Đại Lãnh, có cảng biển Vũng Rô, khu du lịch sinh thái Đập Hàn…
Ngoài khơi có đảo Hòa Khô nằm gần cửa biển Đà Nông, đảo Hòn Nưa nằm ở cửa ngõ phía Nam Vũng Rô. Vũng Rô là một vịnh đẹp, tiếp giáp với vịnh Vân Phong - Đại Lãnh tỉnh Khánh Hòa, được núi bao bọc cả 3 phía, tạo thành một vịnh kín, có diện tích mặt nước rộng 1.640ha, chiều dài nhất theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là 6km, chiều rộng trung bình 2,5km, độ sâu trung bình từ 10-19m. Quanh Vũng Rô có 12 bãi cát vừa và nhỏ, trên đó, một số bãi có hình thành những khu du lịch, nghỉ ngơi, tắm biển. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là nơi tiếp nhận vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Mỹ cũng xây dựng căn cứ quân sự Đông Tác - Vũng Rô. Tại đây, chúng xây dựng bến mố nhô (cầu tàu) dài 69m, rộng 9,5m, đường ô tô trải nhựa nối liền Quốc lộ 1A và hệ thống bến bãi làm nơi tiếp nhận xăng dầu, khí tài chiến tranh phục vụ cho quân đội Mỹ và quân đội chư hầu.
Do đặc điểm cấu tạo địa hình, phần lớn các điểm di tích lịch sử và danh thắng của thị xã Đông Hòa đều tập trung vào khu vực phía Nam thị xã, xoay quanh các khu vực Đèo Cả, Vũng Rô, Đập Hàn, Mũi Điện, Biển Hồ... Nơi đây, từ trên Đèo Cả ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển Đại Lãnh, Vũng Rô với đại dương mênh mông một màu xanh ngọc bích. Nhìn sang phía Tây là dãy núi Đèo Cả chập chùng với điểm nhấn vô cùng độc đáo là ngọn Đá Bia có tên gọi bắt nguồn từ truyền thuyết vua Lê Thánh Tông khắc bia trên đá. Ở đây còn có Đập Hàn, một điểm du lịch sinh thái rất nên thơ với nhiều gộp đá, thác nước và hồ nước trong suốt, mát lạnh, có Biển Hồ, là một đầm nước rộng mênh mông ngày xưa có rất nhiều tôm cá, thậm chí có cả cá sấu. Ở phía Đông là Mũi Điện (còn gọi là mũi Đại Lãnh) nằm trên núi Hòn Bà là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc với ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890. Còn chếch xuống là Vũng Rô - một trong những bến cảng bí mật của những Con Tàu Không Số trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam... Các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của Đông Hòa có mối quan hệ chặt chẽ với các điểm di tích lịch sử danh thắng nói trên. Ở đây, trong dân gian vẫn còn lưu truyền truyền thuyết về việc vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đi mở cõi đã khắc bia lên tảng đá khổng lồ trên núi Đá Bia để phân định ranh giới của nước Đại-Việt, về những con chim thần ở Mũi Điện, về bàn cờ tiên ở đập Hàn, về Biển Hồ, Vũng Rô, Đèo Cả./.