Núi Đá Bia
I. TÊN GỌI:
- Tên thường gọi: Núi Đá Bia
- Tên chữ: Thạch Bi Sơn
Tên gọi Núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn có nguồn gốc từ sự tích cho rằng vào năm Tân Mão 1471, khi vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc nam chinh đánh thành Chà Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định) mở mang bờ cõi vào phía nam, vua Lê có đến núi này và cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi với mục đích phân định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Ngoài tên gọi trên, di tích còn có các tên gọi khác như: Đồng Trụ Sơn (Tương truyền Mã Viện, tướng của nhà Hán - Trung Quốc đã dựng cột đồng tại đây để phân định ranh giới giữa quận Nhật Nam thuộc nhà Hán và nước Tây Đồ Di ở phía Nam); Lingaparvata (có nghĩa là Linga - đấng đại sơn thần, là ngọn núi thiêng, hiện thân của thần Siva trong tôn giáo của người Chăm); Le Doigt de Dieu (Có nghĩa là Ngón Tay Chúa, theo cách gọi của người Pháp ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chỉ khối đá lớn trên đỉnh núi); Hơ Đoang Ktor (Có nghĩa là Núi Cùi Bắp, theo cách gọi của cộng đồng người Chăm đang sinh sống ở Phú Yên hiện nay); Kut Bhih hoặc Kut Hbia Kmhêng (Có nghĩa là mộ của bà Bhih hoặc mộ bà chúa cọp, theo cách gọi của cộng đồng người Êđê đang sinh sống ở Phú Yên hiện nay); Núi Ông Bia (Theo cách gọi phổ biến của nhân dân địa phương hiện nay, thể hiện sự tôn kính).
II. ĐỊA ĐIỂM, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN:
Núi Đá Bia thuộc địa phận thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân Nam huyện Đông Hoà tỉnh Phú Yên. Địa điểm di tích cách trung tâm thành phố Tuy Hoà, tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên 27 km về phía nam.
Tên cũ của địa bàn di tích: Thôn Hảo Sơn tổng Hoà Đa phủ Tuy Hoà (trước năm 1945); thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân quận Hiếu Xương (1958 - 1975); thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân huyện Tuy Hoà (1975 - 1994); thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân Nam huyện Tuy Hoà (1994 - 2005); thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân Nam huyện Đông Hoà (2005 - nay).
Từ thành phố Tuy Hoà, sử dụng các loại phương tiện giao thông đường bộ, theo Quốc lộ 1A đi về phía nam 27 km đến vị trí cầu Suối Lớn tại Km 1359 trên Quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Cả. Tại đây, có thể đi bộ lên đỉnh núi bằng con đường bậc cấp trải đá dài khoảng 2,5km.
III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ THUỘC TÍNH CỦA DI TÍCH:
1. Núi Đá Bia và những sự tích lịch sử:
Núi Đá Bia được ghi chép rất nhiều trong những thư tịch cổ. Tên núi này không chỉ được ghi chép ở thư tịch trong nước mà còn hiện diện trong nhiều cuốn cổ sử Trung Quốc; được lưu danh trong nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý nổi tiếng thời kỳ trung đại, và cả trong những cuốn nhật ký của các nhà hàng hải phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết đi liền với những nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Phú Yên.
Núi Đá Bia gắn với một sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc vào thế kỷ XV, dưới triều đại nhà Lê. Đó là sự kiện vua Lê Thánh Tông thống lĩnh cuộc nam chinh đánh thành Chà Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định), mở rộng bờ cõi về phía nam vào năm 1471. Núi Đá Bia là vật chứng lịch sử gắn với truyền thuyết khẳng định rằng sau chiến thắng tại Chà Bàn, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức cuộc hành quân vượt đèo Cù Mông tiến về phía nam đến dãy núi Đại Lãnh, chọn lấy một ngọn núi cao và cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi với mục đích phân định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sự việc này được ghi chép trong các sách sau: Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: "Núi Thạch Bi ở Phú Yên là chỗ tiên triều phân định địa giới với Chiêm Thành, núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn núi khác. Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất từ núi ấy trở về phía tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía bắc, mặt về phía nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất"(1). Sách Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú chép: "Phủ Hoài Nhân nằm về phía nam Quảng Nam, phía tây tiếp Ai Lao, nam giáp bờ biển Chiêm Thành, tiền triều đã dựng bia đá trên núi làm giới hạn. Núi non từ rất xa kéo dài đến tận bờ biển, núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong dãy núi đó. Khi vua Thánh Tông đi bình Chiêm, ngài cho mài đá núi làm bia để làm ranh giới, rồi phong cho người cháu của vương quốc cũ này lấy núi ấy làm ranh giới phía tây và gọi nước ấy là nước Nam Bàn"(1). Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép: "...Theo Thuỷ lục trình ký của Trần Công Hiến, núi này có một chi, đến bờ biển chia thành hai, cây cỏ và nước cũng chia làm hai, có một khối đá lớn quay đầu về phía đông như hình người. Ngày trước vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua núi này, bùi ngùi than rằng: Trời đất mở mang đã chia lãnh thổ, kẻ kia trái lòng người nên phải chịu vạ. Nhân khắc chữ ở trên đá..."(2). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép: "Núi Đá Bia ở phía đông huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú yên. Thế núi tròn và nhọn, đá đỉnh núi đứng sững, sắc đen. Tương truyền Thánh Tông nhà Lê vào nam đánh Chiêm Thành, mở đất đến đây. Trên vách đá cheo leo ở đỉnh núi, nhà vua sai mài sườn núi khắc chữ vào đá để làm chỗ chia giới mốc với Chiêm Thành..."(3)
Về nội dung văn bia, các tài liệu có sự ghi chép khác nhau, tựu trung có ba nội dung như sau: "Chiêm Thành quá thử binh bại quốc vong, An Nam quá thử tướng tru binh chiết" nghĩa là "Chiêm Thành vượt qua nơi này binh thua nước mất, An Nam vượt qua nơi này tướng chết quân tan"; hoặc "Dĩ nam Chiêm Thành, dĩ bắc dân triều mệnh Việt Nam" nghĩa là "Từ đây về nam là Chiêm Thành, từ đây về bắc dân chịu mệnh Việt Nam"; cũng có tài liệu nói rằng văn bia chỉ là hai chữ "Hồng Đức", là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông.
Tuy nhiên, hiện nay đa số các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương và trong nước đều khẳng định thực tế vua Lê Thánh Tông không đến núi Đá Bia mà sự việc này chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép cụ thể đến từng chi tiết nhỏ về cuộc hành quân nam chinh của vua Lê Thánh Tông nhưng lại không có chi tiết nào nói đến việc vua Lê Thánh Tông vào đất Phú Yên hay đến núi Đá Bia(4). Một số sách lịch sử, địa lý khác cũng không khẳng định chắc chắn về sự việc này. Sách Phương đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu viết: "... Phụ xét núi Thạch Bi ở huyện Tuy Hoà, trong Địa dư chí của Lê Quang Định chép: tục truyền vua Lê Thánh Tông đánh nước Chiêm mở đất đến đấy, ở trên đỉnh núi mài đá khắc bia làm chỗ chia bờ cõi với nước Chiêm cho nên gọi là núi Thạch Bi. Hiện nay vết chữ đã mòn không thể nhận được,... nay xét trong Lê sử: ngày 1 tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức, bắt chúa Chiêm là Trà Toàn ở thành Đồ Bàn, ngày mồng 2 hạ chiếu ban sư ngay. Trong bản đồ niên hiệu Hồng Đức chỉ thấy đến huyện Tuy Viễn, dãy núi Cù Mông trở về nam vẫn còn là đất Chiêm Thành. Những lời tục truyền tưởng không phải là thực"(1). Sách Xứ đàng trong của Phan Khoang viết: "Tương truyền rằng vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến biên giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà ngày nay, sai đục đá ở đỉnh núi cao nhất trên bờ biển ở đây để dựng bia phân định địa giới của ta và của Chiêm, núi ấy sau gọi là núi Thạch Bi. Bia ấy hiện còn, nhưng vết chữ đã mòn, không thể nhận được... Nếu bia ở Thạch Bi Sơn là thực do vua Lê Thánh Tông dựng thì có lẽ sau khi vua chiếm được Trà Bàn, có cho tướng tá đưa quân đi vào đến hết địa phận tỉnh Phú Yên ngày nay, rồi nhân đó đục đá làm bia, chứ vua đã không đến đó, vì ngày mồng 1 tháng 3 vua vào thành Trà Bàn, ngày mồng 2 đã ban sư rồi. Dẫu sao sau cuộc chiến thắng này, uy quyền của vua Đại Việt cũng đến phủ Hoài Nhân, tức tỉnh Bình Định ngày nay mà thôi, chứ chưa vào đến núi Thạch Bi, đất đai bên kia núi Cù Mông chưa thuộc bản đồ nước ta"(2). Sách Địa dư tỉnh Phú Yên viết: "Bi Sơn là hòn núi cao ở dãy đèo Cả doi ra biển làm giới hạn cho tỉnh Phú Yên - Khánh Hoà... Hòn núi này đứng xa trông lên như tấm bia dựng, nên gọi là Bi Sơn. Sử ta có chép vua Lê Thánh Tông đời Lê đánh Chiêm Thành, lấy núi này làm giới hạn, có khắc bia "Hồng Đức". Song bia khắc ở đâu chứ hòn bia cao tột trên mây, doi ra ngoài biển kia chỉ là hòn núi thiên nhiên..."(3)
Năm 1937, Tri phủ Tuy Hoà Nguyễn Văn Thơ có tiến hành cuộc khảo sát núi Đá Bia và sau đó có nhiều cuộc khảo sát, du ngoạn của thanh niên, sinh viên, học sinh Phú Yên, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi con đường lên đỉnh núi được phát dọn rộng rãi và trải đá thành bậc cấp thì nhiều cuộc leo núi Đá Bia được các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh, có cả du khách ngoài tỉnh thường xuyên tiến hành. Năm 2002, Bảo tàng tỉnh Phú Yên cũng phối hợp với các nhà nghiên cứu khảo cổ học, sử học trong nước tiến hành cuộc khảo sát trên đỉnh núi. Tất cả các cuộc khảo sát đều không phát hiện dấu tích nào về chữ chạm trên đá. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng vết tích văn bia bị xoá sạch do trải qua thời gian và sự tác động của điều kiện tự nhiên như nhiều tài liệu ghi chép, mà điển hình là sự kiện sét đánh núi Đá Bia năm 1771 được ghi chép trong các sách Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phủ biên tạp lục mô tả sắc đá màu đen, sau khi bị sét đánh chuyển thành màu trắng, tức là bị bóc vỡ lớp mặt ngoài. Như vậy, nếu quả thực trước đó vua Lê Thánh Tông có cho chạm chữ ở đây thì qua sự kiện này nét chữ cũng không thể tồn tại được.
Mặt dù quan điểm của các nhà nghiên cứu khoa học chưa có sự thống nhất cao, song "việc vua Lê Thánh Tông có khắc chữ trên núi Đá Bia hay không, nhân dân vẫn xem đó là một huyền thoại, đánh dấu bước ngoặc lịch sử của vùng đất Phú Yên"(1). Sự việc trên được lưu truyền trong dân gian như một truyền thuyết có ý nghĩa tôn vinh và thể hiện lòng tri ân đối với công trạng của tiền nhân mà đặc biệt là vua Lê Thánh Tông, trong thời kỳ đầu mở đất. Ở Phú Yên còn có đền thờ vua Lê Thánh Tông tại thôn Long Uyên xã An Dân huyện Tuy An, nguyên là trung tâm thủ phủ của Phú Yên ở thế kỷ XIX. Ngôi đền này hiện tại đã bị đổ nát, chỉ còn lại những mảng tường bằng gạch, đá và bức bình phong ở phía trước. Khi đến khảo sát đền thờ Lê Thánh Tông vào những năm 50 của thế kỷ trước, tác giả Phạm Đình Khiêm còn đọc được câu đối (Tương truyền là của Bố chính Phú Yên Đinh Nho Quang đặt năm 1881).
Giang sơn khai thác hà niên, phụ lão tương truyền Hồng Đức sự
Trở đậu hinh hương thử địa, thanh linh trường đối Thạch Bi cao.
(Non sông mở cõi năm nào, phụ lão còn truyền công Hồng Đức
Lễ kính hương thơm đất ấy, danh thiêng muôn thuở ngọn Đá Bia)(2)
Tại đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh(3), thôn Long Phụng xã Hoà Trị huyện Phú Hoà còn bảo lưu câu đối:
Hồng Đức thiên biên tồn sự nghiệp
Phụng Tường miếu mão đối sơn hà
(Hồng Đức bên trời còn sự nghiệp
Phụng Tường dạng miếu chói non sông)
Hoặc câu được đặt trong thời gian gần đây:
Chứng tích năm trăm năm, Bia Đá ghi sâu tình đất Phú
Giang sơn muôn vạn thuở, sử vàng chói sáng cảnh dân Yên
Loại trừ những chi tiết chưa được sáng tỏ như sự ghi chép của các nguồn sử liệu, có thể khẳng định rằng núi Đá Bia thuộc dãy núi Đại Lãnh chính là nơi đóng vai trò cột mốc quan trọng trong việc phân định ranh giới giữa các nước và các vùng lãnh thổ. Ở thế kỷ XV, núi Đá Bia được nhắc đến như một mốc giới xa nhất về phía nam của quốc gia Đại Việt. Khi đơn vị hành chính phủ Phú Yên chính thức được thành lập vào năm 1611, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà, thì dãy núi Đại Lãnh - Đá Bia cũng chính thức trở thành ranh giới phía nam, và vùng đất Phú Yên trở thành phên dậu của Đại Việt, bấy giờ thuộc xứ đàng trong dưới quyền quản lý trực tiếp của chúa Nguyễn. Trong lời căn dặn của Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung (năm 1613) với người con kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên khẳng định tầm quan trọng và tiềm lực của vùng đất đàng trong, có đề cập địa danh núi Đá Bia: "Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Thạch Bi Sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng..."(1). Sau hơn 40 năm giữ vai trò là vùng đất biên viễn của Tổ quốc, đến năm 1653, khi hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (sau là tỉnh Khánh Hoà) được thành lập, thì dãy Đại Lãnh - Đá Bia trở thành ranh giới giữa Phú Yên và vùng đất Khánh Hoà cho đến nay.
Thời Nguyễn, đường Thiên lý đoạn qua núi Đại Lãnh nằm về phía tây Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả hiện nay. Trên đoạn đường hiểm trở này, chính quyền phong kiến có đặt một trạm dịch và tuyển chọn trạm phu làm việc, chuyên phục dịch cho việc giao thông, chuyển công văn, chiếu chỉ,... từ triều đình trung ương về địa phương và ngược lại, trạm này có tên là trạm Phú Hoà(2). Đoạn đường Thiên lý qua núi Đại Lãnh nay vẫn còn vết tích, nhân dân địa phương gọi là đường Gia Long, nếu đi bộ theo đường này khoảng 4 giờ đồng hồ sang phía bên kia núi sẽ gặp Quốc lộ 1A tại vị trí bãi biển Đại Lãnh (Khánh Hoà). Tại chân núi phía bắc, nằm trên đường Thiên lý (thuộc địa phận thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân Nam huyện Đông Hoà), có di tích đền thờ Thiên Y A Na (người địa phương gọi là Dinh Bà). Đền đã bị sụp đổ, chỉ còn lại phần nền móng, trên nền cũ nhân dân lập một miếu nhỏ và vẫn đang thờ cúng. Tại đây có nhiều gạch Chăm, có thể di tích này đã có từ rất lâu cùng với sự hình thành đường Thiên lý. Người già địa phương kể lại rằng, xưa kia, trước khi qua đèo người ta đều vào đền này để cầu sự may mắn, bình an.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện biểu tượng núi Đại Lãnh (bao gồm cả núi Đá Bia) vào Tuyên đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế miếu trong Đại nội kinh thành Huế. Năm 1840, triều Nguyễn qui định lệ tế thần danh sơn đại xuyên (thần núi cao sông lớn) trong nước, cho phép các địa phương lập đàn tế hàng năm và qui định phẩm vật cúng tế, núi Đại Lãnh và sông Đà Diễn ở Phú Yên lễ vật gồm 1 trâu và 1 lợn. Năm 1853, núi Đại Lãnh được liệt kê vào tự điển thờ cúng.
Vào cuối thế kỷ XIX dầu thế kỷ XX, các nhà hàng hải người Pháp gọi khối đá trên đỉnh núi Đá Bia là Ngón Tay Chúa (Le Doigt de Dieu), vì đi ngoài biển nhìn vào, nó có hình thế như một ngón tay khổng lồ chỉ lên trời. Đó là mục tiêu để họ làm căn cứ cho tàu hoạt động trên biển. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có mô tả núi Ngón Tay Chúa trong sách L'Indochine Francaise như sau: "Đây, mỏm Va-re-la, núi cao và lớn, màu sẫm, kỳ dị với hòn đá dài và to tướng ở trên đỉnh và chỉ thẳng lên trời: Ngón Tay Chúa, mà từ chung quanh cách xa 20 dặm người ta có thể trông thấy. Đó là mũi đất xa nhất về hướng đông của bán đảo Đông Dương; nơi đây tàu Trung Hoa và Nhật Bản đến cập bến. Ban ngày mũi đất rất dễ nhận thấy, cái ngón tay là điểm mục tiêu không bao giờ nhầm. Điều may mắn là nó không thường bị mây che khuất"(1).
2. Núi Đá Bia trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và trong thơ ca:
Núi Đá Bia có dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần và tâm hồn của cư dân bản địa, kể cả trong cộng đồng người Chăm xưa và trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Phú Yên hiện nay. Núi Đá Bia từ lâu cũng đã là đề tài văn chương của nhiều tác giả nổi tiếng ở địa phương và trong nước, đã tồn tại trong những thi phẩm có ấn tượng sâu sắc và đi vào lòng người,... Đặc biệt là những câu chuyện cổ tích, câu ca, câu hò ra đời và tồn tại trong dân gian, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, phản ánh về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Điều đó nói lên rằng, từ xa xưa núi Đá Bia đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và gắn bó với họ trong quá trình khắc phục thiên nhiên, xây dựng và đấu tranh bảo vệ mảnh đất quê hương cùng cuộc sống của họ trên mảnh đất ấy.
Ở thời kỳ Chămpa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng, là hiện thân của thần Siva trong tôn giáo của người Chăm. Điều này đã được GS Trần Quốc Vượng khẳng định sau đợt khảo sát khảo cổ học ở Phú Yên năm 2002: "Từ thế kỷ VIII, sử Tân Đường thư, Chiêm Thành truyện đã ghi nó là Lăng-già-bát-bạt-đa của Chămpa. Đây là lối ghi Hán tự của Lingaparvata - Linga thần núi thiêng mà tôi đã nêu ra và được hoàn toàn tán thành ở hội thảo quốc tế về Đông Nam Á họp ở Italy hè 2001. Lời giải ảo hiện thực núi Đá Bia của chúng tôi: Đấy là biểu tượng Lingaparvata - Linga đấng đại sơn thần, tức thần Siva, một trong tam vị nhất thể của Siva giáo/Ấn giáo đã được hội nhập vào văn hoá Chămpa hay là được Chămpa hoá"(1).
Truyền thuyết trong cộng đồng người Chăm ở Phú Yên hiện nay cho rằng núi Đá Bia là Hơ Đoang Ktor (núi Cùi Bắp) gắn liền với sự tích anh hùng Chi Rất là người khoẻ mạnh nhất của dân tộc Chăm ngày xưa, đã đặt cùi bắp tại đây rồi đứng từ Playku bắn thử ná, mũi tên lao tới chân núi phá thành một vệt dài từ núi Đá Bia ra tận biển(2).
Trong truyền thuyết của người Êđê, núi Đá Bia là Kut Bhih (mộ của bà Bhih). Bà Bhih là người dân tộc Êđê, vợ của vua Pôrômê là vị vua tài giỏi của người Êđê xưa kia. Tương truyền, vua Pôrômê có 3 vợ: một vợ là người Êđê, một vợ là người Chăm, và một vợ người kinh là công chúa, được chúa Nguyễn gã cho vua Pôrômê. Truyền thuyết nói rằng sau khi bà Bhih (một trong 3 người vợ của vua Pôrômê) mất, người ta đã đắp cho bà ngôi mộ thật to lớn, đó chính là núi Đá Bia ngày nay.
Trong cộng đồng người Êđê cũng có lưu truyền một truyền thuyết khác. Theo truyền thuyết này, người ta gọi núi Đá Bia là Kut Hbia Kmhêng (mộ bà chúa cọp). Chuyện kể rằng ngày xưa có hai anh em nhà nọ tên là Y Put và Y Tang, cả hai anh em đều rất lười biếng, không chịu làm việc. Một hôm Y Put sai em là Y Tang đi tìm rẫy và dặn phải chọn nơi rừng già. Y Tang đi tìm cả ngày, đến đâu anh ta cũng dùng rựa chặt thử vào cây, nhưng cây đều mềm, đều bị rựa chặt đứt nên anh ta cho không phải là rừng già; mãi đến khi gặp một bãi đá, anh ta dùng rựa chặt thử và thấy cứng nên cứ ngỡ là mình đã tìm được rẫy như người anh dặn. Khi về nhà, mọi người nhìn chiếc rựa mẻ mới phát hiện ra anh ta chọn đất rẫy là một chỗ toàn là đá. Một hôm khác, người anh sai người em đi làm chòi canh rẫy và dặn phải tìm đủ bốn cây rừng để làm cột, người em lại bắt một con nai bốn chân mang về. Đến khi mẹ của Y Put và Y Tang mất, do bản tính vốn lười biếng nên rất vụng về, đến nỗi khi khiêng mẹ đi chôn, dọc đường xác mẹ rơi mất chỉ còn lại chiếc hòm không. Khi dựng nhà mồ cho mẹ của Y Put và Y Tang, có cả mẹ con nhà cọp cũng tham gia. Vì cọp con còn nhỏ nên cọp mẹ mới nhờ Y Put trông giữ. Trong lúc cọp mẹ lo làm việc, vì cọp con nghịch ngợm nên bị Y Put giết chết. Khi cọp mẹ phát hiện đã nổi giận làm hung giữ và bắt dân làng phải đắp mộ cho cọp con, ngôi mộ rất to lớn, và đó là núi Đá Bia ngày nay(1).
Núi Đá Bia là danh sơn của tỉnh Phú Yên, trước kia người ta vẫn thường nói rằng: "Bi sơn bút thế, Nựu đảnh quy hình" nghĩa là "Thế núi Đá Bia như ngòi bút, hình núi Chóp Chài(2) như mình rùa", hoặc câu: "Bi sơn sanh thánh chúa, Đà thuỷ xuất hiền thần". Các nhà nho ngày trước thường quan niệm rằng những ngọn núi nổi danh như núi Đá Bia, núi Chóp Chài, hay sông lớn như sông Đà Diễn (Đà Rằng) là những núi thiêng sông thiêng, có liên quan đến sự sản sinh nhân tài và sự thịnh suy của một vùng đất. Cũng có truyền thuyết cho rằng tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất nhiều, khi Cao Biền (đời nhà Đường) sang làm tiết độ sứ đất Giao Châu, đi yểm long huyệt các nơi. Khi tới đây, ông ta thấy mạch đất tốt như vậy, bèn giả vờ đánh rơi kiếm xuống hồ Hảo Sơn (dưới chân núi Đá Bia) để chặt đứt long mạch.
Khoảng giữa thế kỷ XIX, quan đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản khi đi qua khu vực đèo Cả - núi Đá Bia đã có bài thơ sau:
Nhất phiến sơn đầu thạch
Cao quyền xuất bích tiêu
Phân cương Hán lập trụ
Trú tất Đường bình lưu
Cổ truyện bạch vân ám
Thần công thanh sử phiêu
Lặc bi nhân hà khứ
Hành khách tứ thiều thiều
(Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu cột Hán
Đuổi giặt trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử dọi gương
Chạm bia người đã vắng
Hành khách chạnh lòng thương)(3)
Sách Đại Nam Quốc sử diễn ca cũng có những câu ghi lại công lao của vua Lê Thánh Tông trong việc mở mang bờ cõi về phương nam:
Mở Quảng Nam, đặt trấn Ninh
Đề phong muôn dặm uy linh ai bì
Kỷ công núi có Đá Bia
Thi văn các tập Thần Khuê còn truyền(1)
Năm 1939, khi đi qua tỉnh Phú Yên, thi sĩ Quách Tấn có mô tả phong cảnh Phú Yên trong một bài thơ Đường luật, kết thúc là hình ảnh núi Đá Bia:
Kìa đảnh Cù Mông nọ vũng Rô,
Con đường thiên lý chạy quanh co.
Vườn dừa mé biển tung đuôi phụng,
Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò.
Núi Nhạn chuông ngân chiều bảng lãng,
Đầm Ô sen nở gió thơm tho.
Đá Bia tích cũ mây dù lấp,
Qua lại còn nghe khách chuyện trò.(2)
Năm 1964, đứng trước cảnh Đá Bia hùng vĩ, thi sĩ Hồng Khanh có sáng tác bài thơ sau:
Sừng sững vươn cao đá một hòn,
Trải bao mưa nắng vẫn không sờn.
Quanh co sườn núi đường lên xuống,
Trắng xoá chân non sóng dập dờn.
Sự nghiệp ngàn năm bia đá tạc,
Biên cương một thuở cột đồng chôn.
Công lao tiên tổ còn lưu đó,
Ai nở lòng nào phụ nước non?(3)
Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu ca, hò, vè, lời hát ru có gắn với hình tượng núi Đá Bia:
1. | Mũi Nạy có hòn Đá Bia, Bãi Môn dựa kề sân trước Ô Rô. Ô Rô núi tấn như đô, Vừa nồm vừa bấc biết xô phía nào. |
2. | Đầu ghềnh mũi Nạy de ra, Qua hai mũi ấy đó là Ô Rô. Vũng Ô Rô bốn mùa cũng khuất, Dựa mặt nồm mặt bấc cũng hay. Sơn xuyên phong cảnh là đây, Non cao bia tạc đá xây ngàn trùng. |
3. | Chóp Chài đội mũ, Mây phủ Đá Bia, Cóc nhái kêu lia, Trời mưa như đổ. |
4. | Giáp Tý Khải Định cửu niên, Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn, Tuy Hoà chùm hởi Tuy An, Đồng Xuân phủ cũ mấy làng gần sông, Đá Bia chùm hởi Cù Mông, Dưới biển sóng dậy trên đồng nước dâng... |
5. | Chiều chiều mây phủ Đá Bia, Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng. Mất chồng như nậu mất trâu, Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm. Hai câu sau cũng có thể là Mất chồng ta chẳng có lo, Sợ anh mất vợ nằm co một mình. |
6. | Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc, Núi Đá Bia cao ngút tầng mây. Sông kia núi nọ còn đây, Mà người non nước ngày nay phương nào? |
IV. LOẠI DI TÍCH:
Núi Đá Bia là một thắng cảnh. Nơi đây gắn với nhiều truyền thuyết lịch sử, là hình tượng có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương; vừa là ngọn núi tiêu biểu ở Phú Yên có giá trị về mặt địa chất, địa mạo, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hệ sinh thái rừng phong phú.
V. KHẢO TẢ DI TÍCH:
Núi Đá Bia thuộc dãy núi Đèo Cả - một nhánh tách ra từ dãy Trường Sơn, trải dài từ tây sang đông, ra sát biển. Trên dãy núi Đèo Cả, có những núi cao như: hòn Dù (1.470m), hòn Chúa (1.310m), hòn Kỳ Đà (1.193m), hòn Ông (1.100m), hòn Chảo (753m),... Núi Đá Bia có độ cao 706m, nằm về phía đông bắc dãy núi Đèo Cả, phía bắc là đồng bằng rộng lớn và làng mạc nên núi Đá Bia không bị che khuất và rất dễ quan sát. Vào những ngày trời nắng, ít mây, có thể nhìn thấy núi Đá Bia từ nhiều vị trí với khoảng cách có thể xa đến trên 50km. Vào những thời điểm sáng sớm hoặc về chiều trong ngày, đỉnh núi Đá Bia thường có mây trắng bao phủ chung quanh, khi ẩn khi hiện. Còn vào mùa mưa hoặc những ngày trời âm u, chung quanh núi Đá Bia luôn có lớp lớp mây mù che phủ.
Núi Đá Bia có toạ độ địa lý: 12055'55" độ vĩ bắc và 109023'32" độ kinh đông, phía đông liền kề với hòn Bà sát biển, chân núi phía tây giáp Quốc lộ 1A, phía bắc là núi Đông Sơn, phía nam là vũng Rô. Sườn núi Đá Bia rất dốc, có nhiều tảng đá chồng chất lên nhau. Con đường đi bộ lên đỉnh núi được trải đá thành bậc cấp dài trên 2.500m, quanh co theo sườn núi, có cầu vượt bằng bêtông bắt qua vực sâu hoặc lên những vách đá dựng đứng và lang cang bảo vệ ở đoạn có độ dốc rất lớn gần đỉnh núi.
Trên đỉnh núi có một khối đá khổng lồ, dựng đứng, sừng sững uy nghi, vươn thẳng lên không trung, mặt phía tây khá bằng phẳng, các mặt khác tròn khuyết không đều. Ngoài bề mặt Đá Bia có một số lỗ nhỏ khoét sâu, là dấu vết đạn pháo trong chiến tranh. Trên chóp khối đá lớn lại có một tảng đá nhỏ chồng lên trên. Trong vòng bán kính từ 1-3km dưới chân núi, tuỳ mỗi góc nhìn có thể nhận thấy Đá Bia với những hình thù khác nhau. Đi trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Hoà Xuân Đông, trông thấy Đá Bia có hình dạng như một ngôi tháp Chăm; đến gần chân núi thuộc địa bàn thôn Hảo Sơn xã Hoà Xuân Nam, nhìn Đá Bia có hình dạng đúng với tên gọi của nó, giống như một tấm bia khổng lồ; tiếp tục đi lên giữa đỉnh đèo Cả, nhìn thấy Đá Bia giống như một con sư tử nằm xuôi theo sườn núi; đi xa hơn nữa về phía nam cũng trên đoạn đường đèo Cả, sẽ thấy Đá Bia như một mũi giáo chọc thẳng lên trời cao; từ Bãi Xép, Bãi Bàng xã Hoà Tâm, nhìn thấy Đá Bia như một pho tượng phật, nhiều người thường gọi là nhà sư đang xuống núi (mùa nắng sắc đá xám sậm giống như trang phục của nhà sư), cũng có người cho đó là vị tiên ông đang canh giữ núi rừng. Nếu đứng xa hàng chục km để quan sát Đá Bia, lúc đó sẽ không thấy rõ những đặc điểm chi tiết, mà chỉ thấy hình thù của một vật thẳng nhô cao trên đỉnh núi, giống như ngòi bút, có lẽ vì vậy mà người xưa thường nói "Bi sơn bút thế".
Đứng trên đỉnh núi Đá Bia, có thể ngắm nhìn bao quát toàn cảnh vịnh vũng Rô ở phía nam. Vũng Rô là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng của khu vực ven biển miền Trung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vũng Rô là bến tiếp nhận vũ khí từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng những con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Vũng Rô đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1997. Trên đỉnh núi Đá Bia nhìn về phía tây là đèo Cả uốn lượn quanh co giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng hùng vĩ, ngay dưới chân núi là Biển Hồ (hồ Hảo Sơn), có diện tích 40ha. Biển Hồ là địa danh được ghi chép trong sử sách triều Nguyễn, trước kia ở đây có nhiều cá sấu nhưng hiện nay không còn. Hiện tại, trong Biển Hồ có nhiều sen và nhiều loài cá nước ngọt sinh sống. Xa hơn nữa về phía tây bắc núi Đá Bia (vẫn thuộc địa bàn thôn Hảo Sơn) là khu du lịch Đập Hàn. Tại đây có suối Hàn chảy lượn qua nhiều ghềnh thác, vũng, hai bên là núi cao, rừng rậm. Địa điểm này đã được đầu tư khai thác du lịch, với những dịch vụ chủ yếu là nghỉ mát, bơi thuyền, tắm suối,... Trên đỉnh núi Đá Bia nhìn về hướng bắc, có thể thấy núi Hiềm, nơi gắn với nhiều chiến công của quân đội ta đặc biệt là dân quân tự vệ xã Hoà Xuân, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của giặt Pháp nhằm đánh chiếm vùng tự do Khu V, trong những năm 1947 - 1950. Trên đỉnh núi Đá Bia nhìn về hướng đông bắc là cửa biển Đà Nông một màu xanh biếc giữa ruộng đồng và làng mạc đông đúc. Gần kề phía nam cửa Đà Nông là Bãi Xép - Bãi Tiên, một bãi biển rộng hàng chục ha, trải dài hơn 3km, nước trong, sóng êm, độ dốc thoai thoải, có thể trở thành một bãi tắm lý tưởng.
Núi Đá Bia nằm trong khu rừng cấm Đèo Cả, hệ sinh thái được bảo tồn khá phong phú và liên tục tái sinh phát triển. Thực vật có những loài đặc trưng của rừng nhiệt đới như chò, trâm, dẻ, cà ná, cồng, thị,... Động vật có sơn dương, nhím, khỉ, công, sao, sóc,... và nhiều loài chim. Dọc đường lên đỉnh núi Đá Bia, phần lớn là đi giữa rừng rậm nhiều tầng: cổ thụ, tầng cây thấp và dây leo, xen vào đó có những cây đát xoè tán rộng (loại cây này có hạt dùng làm thức ăn được). Trên đỉnh núi, giang là loài cây phổ biến nhất, cây giang mọc thành đám dày ngang tầm người đứng, có chỗ cao quá đầu người. Ngoài ra, còn có cỏ tranh, lau lách và những lùm cây bụi mọc thấp. Khí hậu ở đây rất trong lành, ban ngày trời nắng khí hậu mát mẻ và ban đêm thường rất lạnh. Về chiều, mây phủ đỉnh núi, đứng giữa tầng mây sẽ tạo cảm giác lý thú và là ấn tượng đặc biệt đối với du khách.
VI. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HOÁ TẠI DI TÍCH:
Núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng ở địa phương, cùng với sông Đà Diễn (Đà Rằng) là con sông lớn. Theo quan niệm của người xưa, địa cuộc núi sông gắn liền với sự sản sinh nhân tài và sự thịnh suy của một vùng đất. Những nhà nho thời phong kiến thường nói rằng: "Bi sơn sanh thánh chúa, Đà thuỷ xuất hiền thần". Vì vậy, núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Ở thời Nguyễn, núi Đá Bia được thống kê vào tự điển cúng tế, cùng với sông Đà Diễn, là cặp "Danh sơn đại xuyên", được triều đình cho phép các quan địa phương lập đàn cúng tế hàng năm, có quy định lễ phẩm cụ thể là một trâu và một lợn. Hình thức sinh hoạt văn hoá này hiện không còn duy trì.
Ngày nay, núi Đá Bia được xem như một địa danh gắn với nhiều truyền thuyết lịch sử, cũng là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, môi trường sinh thái đa dạng,... nên thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động du ngoạn, leo núi Đá Bia thường xuyên được các tổ chức, đoàn thể, thanh niên, học sinh,... ở Phú Yên tổ chức vào mùa nắng, thỉnh thoảng cũng có những du khách ở các địa phương khác. Trong dịp kỷ niệm 395 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611 - 2006), Tỉnh đoàn Phú Yên đã tổ chức cuộc thi leo núi Đá Bia (30/3/2006), có sự tham gia đông đảo của đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương.
VII. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:
Núi Đá Bia là danh sơn của tỉnh Phú Yên, được ghi chép rất nhiều trong những thư tịch cổ. Tên núi này không chỉ được nói đến ở thư tịch trong nước mà còn hiện diện trong nhiều cuốn cổ sử Trung Quốc; được lưu danh trong nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý nổi tiếng thời kỳ trung đại và cả trong những văn bản ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết đi liền với những nhân vật và sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Phú Yên. Trải qua các thời kỳ lịch sử, núi Đá Bia được biết đến với vai trò là cột mốc lớn trong việc phân định ranh giới giữa các nước và các vùng lãnh thổ. Đây cũng là nơi đọng lại những dấu ấn trong quá trình mở rộng cương vực của đất nước ở những thế kỷ XV, XVI và XVII.
Núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần và tâm hồn của cư dân bản địa, kể cả trong cộng đồng người Chăm xưa và trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Phú Yên hiện nay. Địa danh này từ lâu cũng đã trở thành đề tài của văn học, gồm cả văn học viết và văn học truyền miệng. Ta vẫn thường gặp hình tượng núi Đá Bia trong các thi phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng ở địa phương và trong nước. Đặc biệt là trong những câu chuyện cổ, câu ca, câu hò,... ra đời và tồn tại trong dân gian, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, phản ánh về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Điều đó nói lên rằng, từ xa xưa núi Đá Bia đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm thức của nhân dân và gắn bó với họ trong suốt quá trình đấu tranh khắc phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ mảnh đất quê hương cùng cuộc sống của họ trên mảnh đất ấy.
Núi Đá Bia là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, địa hình núi đa dạng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái được bảo tồn phong phú và liên tục tái sinh phát triển với nhiều loài động thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Vùng phụ cận núi Đá Bia có những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh, Núi Hiềm, Biển Hồ, Đập Hàn,... có nhiều bãi biển với vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết như Bãi Xép, Bãi Bàng, Bãi Tiên, Bãi Môn,... Đỉnh núi Đá Bia là không gian lý tưởng để nghỉ mát, ngắm cảnh và thưởng ngoạn. Đứng ở đây có thể hướng tầm nhìn về mọi phía để thu vào tầm mắt bức tranh phong cảnh hùng vĩ, bao gồm đầy đủ các yếu tố núi, sông, hồ, vịnh, ruộng đồng, làng mạc và phố phường bên bờ đại dương mênh mông.
Núi Đá Bia hội tụ giá trị về nhiều mặt, vừa có giá trị về lịch sử - văn hoá vừa có giá trị về cảnh quan thiên nhiên. Địa danh này chứa đựng những tiềm năng lớn để đầu tư khai thác phát triển du lịch, với những loại hình du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Nằm trong khu vực tổng thể gắn kết với nhiều địa điểm phụ cận rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nơi đây có thể tạo ra nhiều dịch vụ du lịch như: câu cá, tắm biển, bơi, lặn, leo núi, mạo hiểm, ngắm cảnh,... Thông qua hoạt động du lịch, có thể giới thiệu, phổ biến rộng rãi giá trị lịch sử - văn hoá của di tích, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đất nước và con người Phú Yên của nhiều đối tượng khách tham quan. Đồng thời, qua đó có thể tạo ra nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2006 - 2015) của tỉnh Phú Yên đã xác định: "Tăng cường đầu tư và quảng bá phát triển du lịch. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, các điểm giàu tính lịch sử - văn hoá để phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế chủ lực..."(1) Tỉnh cũng đưa ra chủ trương: "Hình thành các trung tâm du lịch Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hoà, Vũng Rô - Đá Bia. Liên kết với các trung tâm du lịch nước ngoài, với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hình thành và khai thác có hiệu quả các tuor du lịch"(2)
VIII. HIỆN TRẠNG DI TÍCH:
Núi Đá Bia nằm trong khu vực rừng cấm Đèo Cả, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái rừng được bảo tồn phong phú, bảo lưu được nhiều loài động vật, thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Bên cạnh đó, việc tái sinh, tái tạo và phát triển hệ động thực vật ở đây luôn được quan tâm đúng mức. Nhờ đó, môi trường sinh thái rừng ngày càng phong phú, đa dạng.
Năm 2001, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng con đường bậc cấp trải đá từ chân núi lên đỉnh núi dài trên 2.500m, dựa trên đường mòn cũ đã có từ trước đó, với điểm xuất phát tại Km1359 trên Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả. Ngoài việc giúp cho quá trình leo lên đỉnh núi Đá Bia được dễ dàng hơn trước, con đường này còn mang ý nghĩa tôn tạo cảnh quan, với những đoạn đường uốn lượn, len lỏi giữa rừng cây bạt ngàn, cùng chiếc cầu vượt bắt qua vực thẳm và vách đá dựng đứng tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên thêm hài hoà và hấp dẫn.
IX. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, SỬ DỤNG DI TÍCH:
Núi Đá Bia thuộc khu rừng cấm Đèo Cả, đã được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) ra quyết định số 194/CT ngày 09/08/1986 công nhận là một trong 87 khu rừng đặc dụng của Quốc gia. Hiện nay, núi Đá Bia và rừng cấm Đèo Cả đặt dưới sự quản lý, bảo vệ của Ban quản lý rừng cấm Đèo Cả có trụ sở làm việc tại địa bàn rừng cấm.
Theo ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương, núi Đá Bia xứng đáng được công nhận là di tích cấp Quốc gia để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
(1) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, trang 121
(1) Phan Huy Chú, Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận Hoá, 1997, trang 17
(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hoá, 1997, trang 68
(3) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 1998, trang 690-691
(4) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, trang 235-237
(1) Nguyễn Văn Siêu, Phương đình dư địa chí, Sài Gòn, 1960, trang 132
(2) Phan Khoang, Xứ đàng trong, Sài Gòn, 1967, trang 107-108
(3) Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ, Địa dư tỉnh Phú Yên, Quy Nhơn, 1937, trang 37
(1) Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Địa chí Phú Yên, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003, trang 702
(2) Phạm Đình Khiêm, Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên, Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Sài Gòn, 1960, trang 85
(3) Lương Văn Chánh là bậc công thần hàng đầu ở Phú Yên, người có công ổn định vùng đất Phú Yên và quy tụ, tổ chức nhân dân khai khẩn, lập làng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đền thờ Lương Văn Chánh đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1996
(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, trang 44
(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hoá, 1997, trang 77
(1) Võ Liệu, Núi Vọng Phu và Bi Sơn, Tạp chí Giáo dục phổ thông, số 44 ngày 15/8/1959, trang 37-38
(1) Trần Quốc Vượng, Về mùa công tác điền dã tại Phú Yên, tháng 5/2002, bản viết tay, lưu tại Bảo tàng Phú Yên
(2) Theo lời kể của nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng, xã Ea Chà Rang huyện Sơn Hoà tỉnh Phú Yên
(1) Theo lời kể của nhà văn Y Điêng, thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên; già làng Ma Nhưng, xã Ea Trol huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên; Ma Vy, xã Ea Bia huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên
(2) Núi Chóp Chài nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hoà khoảng 4km về phía tây bắc, cũng là một ngọn núi nổi tiếng của Phú Yên
(3) Dẫn theo Trần Huyền Ân, Phú Yên miền đất ước vọng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2004, trang 50-51
(1) Dẫn theo Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Nxb Thanh Niên, 2004, trang 69
(2) Nguyễn Đình Tư, Sđd, trang 62
(3) Nguyễn Đình Tư, Núi Đá Bia, Tạp chí Xưa và Nay số 106 - 12/2001, trang 35
(1) Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV, 2006, trang 210
(2) Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Tài liệu đã dẫn, trang 207
THUYẾT MINH NÚI ĐÁ BIA
Núi Đá Bia nằm ở phía Đông Nam tỉnh Phú Yên thuộc địa bàn xã Hoà Tâm và xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà. Núi Đá Bia nằm trong dãy Đại Lãnh, là một nhánh của dãy Trường Sơn rẽ ngang đâm ra biển. Ngọn núi này cao 706m, riêng khối đá đồ sộ trên đỉnh núi cao 76m. Cũng do đặc điểm địa lý tương đối đặc biệt mà núi Đá Bia trở thành nơi để đoán định thời tiết của người dân ở Phú Yên: “Chóp Chài đội mũ/Mây phủ Đá Bia/Cóc nhái kêu lia/Trời mưa như trút”.
Từ xa xưa, núi Đá Bia đã được xem là một ngọn núi thiêng, là một ngọn “Đại Sơn Thần” với cột đá ngự trên đỉnh núi được ví như một “Lin-ga”, linh vật thiêng liêng trong văn hoá Chăm, là biểu tượng của thần Si-va.
Sự tích về núi Đá Bia còn gắn liền với vua Lê Thánh Tông - vị vua anh minh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong hành trình mở cõi về phương Nam đã cho người lên núi khắc chữ vào đá để làm mốc biên giới phía nam của Đại Việt. Nội dung văn bia bị sương gió bào mòn nên có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng phổ biến vẫn là hai chữ “Hồng Đức”, là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông. Từ đó mới có tên gọi núi Đá Bia. Thực tế thì năm 1578, khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đem lưu dân đến mở mang vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả dẫn đến sự ra đời đơn vị hành chính phủ Phú Yên vào năm 1611 thì núi Đá Bia mới trở thành biên giới phía Nam của Đại Việt.
Dưới thời nhà Nguyễn, núi Đá Bia được xem là một địa danh linh thiêng. Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), núi Đá Bia đã được nhà vua cho khắc vào Tuyên Đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở Kinh thành Huế. Năm 1840, vua Minh Mạng chuẩn định lệ tế hằng năm các nơi núi cao, sông lớn trong nước, trong đó có núi Đá Bia. Đến năm Tự Đức thứ 6 (1853), núi Đá Bia lại được đưa vào tự điển danh mục những nơi tôn kính. Vào giữa thế kỷ XIX, quan đại thần Phan Thanh Giản khi đi ngang qua núi Đá Bia, nhìn cảnh thiên nhiên hùng vĩ và nhớ lại tích xưa nên đã cảm tác bài thơ chữ Hán, bài thơ được dịch lại như sau:
“Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu trụ Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử rọi gương
Chạm bia người đã vắng
Lữ khách chạnh lòng thương”.
Núi Đá Bia từ lâu cũng đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Phú Yên, đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca đầy chất hoài niệm:
“Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc
Núi Đá Bia cao ngút tầng mây
Sông kia núi nọ còn đây
Mà người non nước ngày nay phương nào”.
Năm 1946, nhà thơ Hữu Loan, lúc bấy giờ là chiến sỹ trong đoàn quân Nam Tiến tham gia chiến đấu bảo vệ phòng thuyến Đèo Cả để ngăn không cho quân Pháp đánh chiến ra vùng tự do Phú Yên, đã sáng tác bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng trong cả nước:
Núi cao vút
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương....
Đến thăm núi Đá Bia là đến thăm một vùng danh thắng chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử văn hóa. Đoạn đường từ chân núi lên đến đỉnh núi dài khoảng 2km vừa đủ để cho những nhà leo núi nghiệp dư thử sức. Giữa muôn trùng mây bay gió thổi du khách vừa được thưởng thức phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, vừa như được chạm tay vào một phần lịch sử còn được lưu dấu trên đỉnh ngọn núi này.
Bạn vui lòng đăng nhập' tại đây để gửi bình luận.