A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn

I. TÊN GỌI:       MŨI ĐẠI LÃNH - BÃI MÔN

          Mũi Đại Lãnh và Bãi Môn là hai địa điểm nằm liền kề nhau. Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi là Mũi Điện, Mũi Kê Gà, Cap Varella (Varella là tên của người Pháp phát hiện ra mũi đất này). Bãi Môn duy nhất có một tên gọi, chỉ bãi biển nằm dưới chân Mũi Đại Lãnh.

II. ĐỊA ĐIỂM, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN:

          Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Địa điểm di tích cách trung tâm thành phố Tuy Hoà - tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên 35km về phía nam.

          Từ thành phố Tuy Hoà, sử dụng các loại phương tiện giao thông đường bộ theo Quốc lộ 1A đi về hướng nam 15km đến trung tâm huyện lỵ Đông Hoà rồi rẽ trái theo đường liên xã đi về hướng đông nam 20km là đến vị trí Bãi Môn, từ đây có thể đi bộ lên Mũi Đại Lãnh bằng con đường mòn men theo triền núi dài khoảng 500m.

III. LOẠI DI TÍCH:

          Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn là thắng cảnh. Nơi đây có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc ngọn hải đăng.

IV. KHẢO TẢ DI TÍCH:

          Mũi Đại Lãnh nằm về phía đông của dãy núi Đèo Cả - một nhánh tách ra từ dãy Trường Sơn, trải dài từ tây sang đông, ra sát biển. Dãy núi Đèo Cả trong lịch sử còn có tên gọi là núi Đại Lãnh (Đại Lĩnh), là dịa danh nổi tiếng ở Phú Yên được đề cập trong rất nhiều thư tịch cổ. Địa danh này được nhắc đến với vai trò là cột mốc quan trọng trong việc phân định ranh giới giữa các vùng lãnh thổ. Vào nửa cuối thế kỷ XV, nó được nhắc đến như một mốc giới xa nhất về phía nam của quốc gia Đại Việt. Năm 1611, khi đơn vị hành chính phủ Phú Yên được thành lập, dãy núi Đại Lãnh chính thức trở thành biên giới phía nam của phủ Phú Yên. Đến năm 1653, khi hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (sau là tỉnh Khánh Hoà) được thành lập thì dãy núi Đại Lãnh trở thành ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hoà cho đến nay. Trên con đường thiên lý bắc nam, đoạn vượt qua dãy núi hiểm trở này cũng hình thành từ rất sớm. Thời Nguyễn, nhà nước có thiết lập ở đây một trạm dịch và tuyển chọn trạm phu làm việc, chuyên phục dịch cho việc giao thông đi lại và thông tin liên lạc giữa triều đình trung ương và các địa phương. Bên cạnh những vai trò nói trên, dãy núi Đại Lãnh còn được nhắc đến như một thắng tích tiêu biểu, nơi có cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình. Cảnh vật ở đây đã được ghi nhận từ thời Nguyễn. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện biểu tượng non nước Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế miếu trong đại nội kinh thành Huế. Năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, núi Đại Lãnh được liệt kê vào tự điển.

Phía đông dãy núi Đèo Cả có nhiều mũi đất nhô xa ra biển như Mũi Nạy, Mũi Đại Lãnh, Mũi Bát, Mũi La,... Trong đó, Mũi Đại Lãnh là mũi đất vươn ra biển đông xa nhất. Đây là mỏm núi nối liền mạch với dãy núi Đèo Cả, chạy dài ra phía đông, nhô thẳng ra biển và kết thúc bằng những khối đá dựng đứng trước đại dương mênh mông, tạo ra một bức tranh phong cảnh non xanh nước biếc thật kỳ vĩ. Mũi Đại Lãnh chính là điểm cực đông của đất liền Việt Nam, nơi đón mặt trời mọc sớm nhất, gần hải phận quốc tế nhất của nước ta, nằm ở toạ độ địa lý 12053'48" vĩ độ Bắc và 109027'06" kinh độ Đông.

Sau khi phát hiện ra Mũi Đại Lãnh, nhận thấy đây là mỏm núi có vị trí quan trọng trên đường hàng hải, người Pháp đã cho xây dựng ở đây một ngọn hải đăng vào khoảng những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, với mục đích định hướng cho các phương tiện giao thông đường thuỷ hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Trải qua những biến cố trong chiến tranh, hải đăng đã bị đổ nát. Năm 1995, Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư xây dựng lại ngọn hải đăng tại vị trí cũ. Đến năm 1997, công trình được xây dựng xong và chính thức đưa vào hoạt động. Những hạng mục của công trình bao gồm: khối nhà cao 5m có tổng diện tích xây dựng là 320m2, có bể ngầm chứa nước mưa, có hệ thống các thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời để cung cấp điện; tháp đèn hình trụ tròn, thon đều, màu xám sẫm, cao 25,6m, đường kính trung bình 4,5m, từ chân lên đỉnh được lắp đặt 107 bậc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ. Thiết bị đèn chính: đèn bảng pha quay PRB - 2412, có tầm hiệu lực sáng 28 hải lý, chiều cao tầm sáng tính đến mực nước biển "0" hải đồ là 110m. Thiết bị đèn phụ: đèn HD 500 máy tạo chớp, có tầm hiệu lực sáng 18 hải lý, chiều cao tầm sáng 92m. Thiết bị thông tin HF và VHF thường xuyên liên lạc với trung tâm và hệ thống đèn biển cả nước,... Cơ sở vật chất và hệ thống các thiết bị chuyên dụng của đèn biển Mũi Đại Lãnh đạt tiêu chuẩn là đèn biển cấp 1. Đây là ngọn đèn biển quan trọng, đang phát huy hiệu quả hoạt động, có những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế biển ở Phú Yên và trong khu vực. Ngoài những giá trị đối với ngành hàng hải, đây còn là công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ, mang lại ý nghĩa tôn tạo cảnh quan, tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây thêm hài hoà và hấp dẫn.

Nằm liền kề phía bắc chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là bãi biển nằm lọt sâu giữa hai mũi đất, Mũi Nạy ở phía bắc và Mũi Đại Lãnh ở phía nam. Dưới chân những mũi đất, sát mép nước là những bãi đá chồng chất lên nhau. Đá có kích cỡ trung bình, phù hợp để ngồi thư giãn, ngắm cảnh hoặc leo trèo khám phá và thưởng ngoạn những nét đẹp của cảnh vật tự nhiên nơi đây. Phía tây Bãi Môn là rừng nguyên sinh, tạo cho bãi biển này có sự che chắn ở ba mặt, phía trước là một vịnh nhỏ mở ra biển đông. Bãi Môn trải dài hơn 400m với vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ; cát ở đây trắng, sạch và mịn; địa hình bãi biển bằng phẳng, độ dốc nhỏ và thoải dần ra xa; nước biển trong xanh và sóng nhẹ. Điều đặc biệt là ở đây có một suối nước ngọt chảy quanh năm không cạn. Đây là con suối bắt nguồn từ những mạch nước chảy ra từ rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và những tán cây rừng rợp mát, suối nước chảy ngang qua Bãi Môn rồi đổ ra biển. Với địa hình bãi biển và những điều kiện tự nhiên như vậy, Bãi Môn có đủ điều kiện để trở một bãi tắm lý tưởng.

Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà qua phía tây Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn được tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng và đang ở vào giai đoạn chuẩn bị hoàn tất là một tuyến đường đẹp, chạy sát biển, uốn cong theo những sườn núi, một bên là núi rừng bạt ngàn một bên là trùng dương mênh mông. Ngoài vai trò nối thông, gắn kết những địa điểm di tích và thắng cảnh nổi tiếng trong vùng, tuyến đường này còn góp phần tôn tạo cảnh quan, làm cho bức tranh thiên nhiên thêm hài hoà, sống động.

Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn nằm trong phạm vi bảo vệ của khu vực rừng cấm Đèo Cả, hệ sinh thái quanh vùng được bảo tồn khá phong phú và liên tục tái sinh phát triển. Thực vật có những loài đặc trưng của rừng nhiệt đới như chò, trâm, dẻ, cà ná, cồng, thị,... Động vật có sơn dương, nhím, khỉ, công, sao, sóc,... và nhiều loài chim. Môi trường tự nhiên nơi đây rất trong lành, khí hậu mát mẻ. Đặc biệt là trên Mũi Đại Lãnh, mũi đất chồm ra xa nhất vào biển đông này luôn được đón nhận những làn gió mát mang nhiều hơi nước thổi vào từ biển, mà khi đặt chân đến đây mọi người đều có được cảm giác thật thư thái.

Vùng phụ cận Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hoá thuộc khu căn cứ Miền Đông của tỉnh Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dọc bờ biển khu vực này có nhiều bãi biển với vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết như Bãi Gốc, Bãi Bàng, Bãi Tiên ở phía bắc; Bãi Chính, Bãi Chùa, Bãi Ngà,... thuộc vịnh Vũng Rô ở phía nam. Vũng Rô là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng của khu vực ven biển miền Trung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là bến tiếp nhận vũ khí và các phương tiện chiến tranh từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng những con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 11 năm 1964 đến tháng 2 năm 1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu không số. Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/2/1965 bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phá huỷ con tàu, cho chìm xuống nước. Hiện nay, xác tàu vẫn còn tồn tại dưới mặt nước gần Bãi Chùa vịnh Vũng Rô. Nó trở thành chứng tích của tinh thần quả cảm, ý chí sắc đá của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nằm trong dãy núi Đèo Cả, cách Mũi Đại Lãnh khoảng 12km đường bộ về phía tây là ngọn Đá Bia nổi tiếng. Núi Đá Bia gắn với nhiều truyền thuyết và sự tích lịch sử phản ánh về quá trình mở mang bờ cõi về phía nam và quá trình xây dựng phát triển vùng đất Phú Yên từ thế kỷ XV - XVII. Núi Đá Bia không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân bản địa mà còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Hiện đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo người địa phương và du khách ngoài tỉnh, những cuộc du ngoạn leo núi Đá Bia thường xuyên được tổ chức. Chinh phục đỉnh núi Đá Bia là cơ hội để khám phá và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, đồng thời có thêm sự hiểu biết về đất nước và con người địa phương.

V. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:

          Xuất phát từ đặc điểm địa hình của một tỉnh vùng duyên hải, với đường bờ biển dài và khúc khuỷu quanh co, nhiều nơi núi ăn sâu ra sát biển, Phú Yên là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn với vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ. Trong đó, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn là một trong những thắng cảnh tiêu biểu.

Mỗi một thắng cảnh có thể có mỗi giá trị đặc thù riêng, tạo cho nó có sức hấp dẫn riêng. Thắng cảnh Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn ở Phú Yên với vị trí địa lý là điểm cực đông của đất liền Việt Nam đã tạo cho nó có một giá trị đặc biệt nổi bậc, tác động mạnh mẽ đến tâm lý muốn tìm hiểu, khám phá của nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là người Việt Nam.

Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn khi được tôn tạo và phát huy giá trị sẽ trở thành một địa chỉ quan trọng, có sức cuốn hút lớn đối với du khách trong hành trình qua vùng đất miền Trung và Phú Yên. Đây là nơi mà những giá trị tự nhiên được bảo tồn khá nguyên vẹn, lại nằm gần tuyến giao thông đường bộ chủ chốt là Quốc lộ 1A. Du khách khi đến đây có thể ở lại đêm, hưởng thụ bầu không khí trong lành, mát mẻ; thưởng ngọn cảnh biển về đêm; thưởng thức những món ăn đặc sản đậm chất biển. Và, điều tạo ra ấn tượng đặc biệt nhất đối với du khách là được đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền Việt Nam.

Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn lại nằm trong khu vực tổng thể gắn kết với nhiều địa điểm phụ cận rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nơi đây có thể tạo ra nhiều dịch vụ du lịch như: câu cá, tắm biển, leo núi, mạo hiểm, ngắm cảnh, ẩm thực, nghỉ dưỡng,... đảm bảo đáp ứng nhiều sở thích và yêu cầu của du khách.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) của tỉnh Phú Yên đã xác định: "Phát triển một số khu du lịch lớn (Long Thuỷ, Bãi Xép - Núi Thơm - Hòn Chùa, Ô Loan, Gành Đá Đĩa, ven biển Sông Cầu, Bãi Môn - Mũi Điện, Đảo Hòn Nưa và các khu nước khoáng Triêm Đức, Phú Sen,...). Khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, đảo, đầm vịnh, tận dụng lợi thế sinh thái; phối hợp tốt giữa ngành thương mại du lịch và văn hoá thông tin trong việc khai thác các di tích lịch sử văn hoá, văn hoá ẩm thực và các lễ hội đặc trưng của Phú Yên để phát triển du lịch. Tăng cường liên doanh liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước về phát triển đầu tư du lịch và tổ chức tốt các tour du lịch."(1)

VI. HIỆN TRẠNG DI TÍCH:

          Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn nằm trong khu vực bảo vệ của rừng cấm Đèo Cả, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái rừng được bảo tồn phong phú, bảo lưu được mhiều loài động vật và thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Bên cạnh đó, việc tái sinh, tái tạo và phát triển hệ động thực vật ở đây luôn được quan tâm đúng mức. Nhờ đó, môi trường sinh thái ngày càng phong phú, đa dạng.

Trạm hải đăng xây dựng trên Mũi Đại Lãnh được đặt dưới sự quản lý của Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải 201 thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, hiện đang ở trạng thái bảo quản và phát huy tác dụng tốt.

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn. Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã có thông báo số 930/TB - UBND ngày 30/9/2005 cho phép chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sơn Dũng Bảo tiến hành lập thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái này.

VII. KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH:

          Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn là khu vực thiên nhiên có giá trị tiêu biểu về cảnh quan, môi trường, vị trí địa lý; có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Theo ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương, nơi đây xứng đáng được công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

(1) Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV, 2006, trang 165.


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tiêu điểm
Tin xem nhiều

Đây là kênh tương tác trực tuyến giữa UBND và cộng đồng, nhằm giúp việc trao đổi thông tin và phản ánh/góp ý của người dân thuận tiện, nhanh chóng, góp phần xây dựng UBND ngày càng văn minh, hiện đại.

Với nỗ lực cải tiến thường xuyên để phục vụ ngày càng tốt hơn, UBND mở rộng cung cấp dịch vụ giải quyết thủ tục trực tuyến. Xin mời chọn lĩnh vực đăng ký