DTLS Vũng Rô
- Tên gọi: Vũng Rô
- Địa điểm: Thôn Vũng Rô – xã Hòa Xuân Nam – TP. Tuy Hòa – Phú Yên.
- Đường đi đến: Từ TP. Tuy Hòa theo Quốc lộ 1 về phía Nam hơn 30km đến Đèo Cả có con đường đi xuống Vũng Rô. Có thể đi đến Vũng Rô bằng các loại phương tiện giao thông đường bộ.
- Khảo tả Vũng Rô:
Trên những bản đồ thời Tây, mũi Kê Gà mang tên ông quan Ba Varella, núi Mẹ bồng con thành La Mereetl’… Vũng Rô, may mắn hơn, chỉ bị trại ra Vũng Rò.
Vũng Rô được gọi bằng chính danh và được biết nhiều từ năm 1946 với bài ký “ Đêm Vũng Rô” của nhà văn Ngọc Cư, ghi lại chuyến đến thăm Tiểu đoàn Độc Lập đóng trên Đèo Cả để giữ vững Phú Yên trước cuộc tấn công của Pháp từ Khánh Hòa ra. Đêm ấy người chiến sĩ trong chiếc áo trấn thủ không đủ sức ngăn cản cái giá lạnh của mùa đông, kể với nhà văn về một loài chim trên đỉnh đèo, tiếng kêu nghe như tiếng khóc trẻ thơ. Đồng thời Vũng Rô được nói đến trong bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan: “ Giặc từ Vũng Rô bắn tới – Giặc từ trong tràn ra – Nhưng Đèo Cả vẫn đứng vững…”
Vũng Rô – Đèo Cả - Đá Bia… một tổng thể hợp thành phong cảnh. Đá Bia mây phủ không phải chỉ chiều chiều mà cả mỗi sáng, mỗi trưa. “ Mảnh đá đầu non” một màu đen sẫm cao vút lưng trời. Đèo Cả quanh co uốn lượn vươn lên. Vũng Rô lúc nào cũng yên bình ngày nắng xanh thắm, ngày mưa biển xám màu tro. Chung quanh lau lách um tùm. Có những đêm đi xe đò qua đèo, trời đây sao sáng và biển đầy thuyền chài. Không phải là những “ngư hỏa sầu miên” mà cả dãy đèn giăng dài tận khơi xa, sinh động, nhấp nháy reo vui.
“Dừng chân đứng lại: Trời – Non – Nước”. Bất cứ nơi nào có đủ Trời – Non – Nước, nơi ấy là một phong cảnh xinh đẹp, hữu tình. Vũng Rô hữu tình, đồng thời hùng vĩ hơn, vì những bãi, những mỏm, tự nó đã tạo thành một tổng thể, trong cái tổng thể lớn lao cùng với Đá Bia - Đèo Cả.
Làng xóm mới có 15 năm nay thôi và phải chịu đựng sự tàn phá của một trận bão dữ dội. Vũng Rô thôn bây giờ có 200 nóc nhà, mái ngói cả, trẻ con chen chúc đông vui. Chùa đã được xây dựng, Tượng Đức Quan Âm nhìn ra biển cả.
Vũng Rô có cả thảy 12 bãi: Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngài, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Hang, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn. Bãi Lách là nơi bà con lập làng, lập xóm. Ở Bãi Bàng, bàng mọc rất nhiều, có một dòng suối mát từ triền núi cao đổ xuống. Bãi Ngài còn có tên gọi bãi Ba Ngài. Có người nói Ngài là những vị tiên ông từ trên Đá Bia xuống ngồi đánh ván cờ thiên cổ. Nhớ ngay đến câu thơ thuận nghịch: “ Kỳ cục đả thanh phong giáp trận – Tửu hồ khuynh bạch tuyết hoa bôi” (Bôi hòa bạch tuyết nghiêng hồ rượu – Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ) Có người nói ngài là cọp, gọi bằng lòng cung kính. Có phải những “Ngài” Hữu Loan nói đến: “ Ngày thâu vượn hú – Đêm cạnh gặp hùm lang thang” ?
Từ Bãi Ngài dùng thuyền vượt qua một mỏm nhỏ đến bãi chùa. Ở đây nước cạn, sóng nhỏ đến nỗi không khuấy động lớp bùn ven bãi. Trên bãi có một vườn dừa. Chính nơi này ghe thuyền thường vào nấp bão. Thật kín, thật tốt. Thế mà trận bão năm ngoái, chính nơi này cuồng phong đã gây tổn thất biết bao nhân mạng và tài sản. Có người nói, những đêm khuya khoắt đến bãi Chùa, có thể nghe tiếng quân reo, ngựa hí, tiếng giáo gươm khua động? Từ xa xưa trong những trang sử phán thư? Hay cái thời đề chữ khắc bia? Hay gần hơn, khi hai họ Nguyễn tranh hùng? Vũng Rô có phải là “đầu cau” của những cuộc hành quân kinh kỳ ( “Giặc mùa” ) trước khi tiến ra quân cảng Xuân Đài? Cách đây không xa, có con đường mòn, dân chúng vẫn gọi là “đường mòn Gia Long”.
Thuyền theo chân núi chạy vòng quanh vũng đến Mũi La. Muốn tìm chút thú vị, nên mang theo một be rượu bọt. Ốc vú nàng và nhiều loại hải sản nhỏ là những “mồi” ngon có thể tìm thấy dễ dàng ở các bãi. Để rồi trở lại bãi Bàng. Hãy quên đi tiếng gươm giáo một thời. Hãy quên đi những gió cuồng sóng dữ. Chỉ lắng nghe một câu hát nhớ thương, chung thủy ân tình. Tất cả chỉ là giai đoạn. Chỉ có tình yêu là vĩnh viễn;
Một mai…sóng bổ bãi Bàng
Một ngày xa bạn ăn vàng không ngon…
TIẾP NHẬN VŨ KHÍ TẠI VŨNG RỔ:
Vùng giải phóng trong tỉnh ngày càng được mở rộng. Từ miền Bắc XHCN Trung ương chi viện vũ khí cho liên tỉnh theo 3 đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Vũng Rô được chọn làm nơi cập bến. Đồng chí Trần Suyền – Nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên được phân công tổ chức tiếp nhận vũ khí của Trung ương.
Giữa năm 1964 đồng chí Trần Suyền cùng một trung đội vũ trang về thành phố Tuy Hòa huy động thanh niên Hòa Hiệp, Hòa Tân tổ chức đường dây từ bãi Chính qua bãi Môn đến bãi Tiên để lực lượng dân công các xã Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ. Trong lúc đang chuẩn bị thì hai đội địch càn quét Hòn Dôm, núi Quéo xã Hòa Hiệp (vùng giải phóng), mưu đồ đóng quân ở cao điểm dòm ngó khống chế rừng Xép và sông Bàn Thạch. Lập tức một đại đội quân khu Nam phối hợp với du kích Hòa Hiệp tiêu diệt một trung đội địch giữa vùng giải phóng Hòa Hiệp Nam. Các mũi công tác ở Hòa Xuân liên tục đột nhập ấp chiến lược diệt ác, du kích Hòa Hiệp phát động quần chúng, gặp người trông nom đèn biển ở Mũi Điện giải thích chính sách Mặt trận đề nghị họ về nhà làm ăn. Vùng giải phóng rộng lớn từ Vũng Rô đến Đông tác giáp đường Quốc lộ 1 nhân dân làm chủ hoàn toàn. Hàng trăm nam nữ thanh niên có ý thức chính trị vững vàng, sức khỏe tốt ngày đêm bí mật dọn đường, làm kho trong gộp đá, chặt cây xẻ gỗ, bứt dây rừng làm cầu tàu dã chiến ra biển dài 20m, ngày tháo ra, đêm ráp lên. Địch bót Pơ-Tý dòm ngó hàng ngày cũng không hay biết, vì ta luôn cảnh giác ngụy trang chu đáo, máy bay địch đi tuần tra cũng không phát hiện được.
Đêm 23-11-1964, chuyến tàu không số do đồng chí Hồ Đắc Thạnh chỉ huy và thủy thủ đều là người khu V- cập bến Vũng Rô. Bộ đội dân công chuyển hàng trăm tấn vũ khí lên bờ và chuyển xuống đá, cát để dằn tàu, chặt cây ngụy trang để tàu kịp nhổ neo trong đêm.
Vũ khí còn trên đường vạn chuyển thì tàu thứ 2 tiếp cập bến trong dịp Noel. Chuyến thứ 3 cập bến vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài vũ khí còn có gạo, thuốc, bánh kẹo của Bác Hồ cho chiến sĩ miền Nam, dân công các xã Nam Tuy Hòa bí mật chuyển về căn cứ. Dân công chuyển ngày đêm vất vả, có lúc thiếu gạo phải ăn củ rừng, lá rừng để giữ bí mật cho đợt công tác này. Chuyến thứ tư vào đêm 12-5-1965 cập bến xuống hàng nhưng tàu không rời kịp bến trong đêm. Sáng 16-2 tình cờ địch phát hiện, huy động lực lượng hải quân ở Phú Yên, không quân ở quân đoàn 2 Nha Trangbao vây đánh phá suốt 3 ngày. Ta tổ chức đánh trả cho mìn phá tàu và chuyển vũ khí vào kho bí mật, tổ chức đưa 14 thủy thủ lên đường Trường Sơn ra miền Bắc, đồng chí thuyền trưởng bị thương. Về sự kiện này, địch đã la lối om sòm. Trong báo cáo chúng đã viết “ Lúc 10h 30 phút ngày 16.2.1965 trung úy phi công Gie – nơ Ba – cơ của lục quân Mỹ trong khi lái một chiếc máy bay lên thẳng HU18 làm nhiệm vụ tải thương từ từ Qui Nhơn vào bỗng thấy một tàu lạ được ngụy trang nằm ở Vịnh Vũng Rô. Trung úy Ba-cơ lập tức báo cho cố vấn Mỹ chỉ huy vùng duyên hải II là thiếu tá Hac-vay P.Rốt-giơ của hải quân Mỹ ở Nha Trang. Thiếu tá Rốt-giơ báo ngay tin này cho người cộng sự của mình là Thiếu tá Thoại của Hải Quân Việt Nam – Tư lệnh vùng duyên hải II và bố trí một máy bay đi điều tra một tàu lạ bị phát hiện. Một lúc sau có báo cáo đó là một tàu loại đánh cá dài khoảng 130 feet có lượng rẽ sóng khoảng 100 tấn”.
Từ đó địch cho một đại đội thuộc sư đoàn 23 ở Tuy Hòa vào bằng chiếc tàu đổ bộ LSM, một đội “hải cẩu” của Hải quân cung cấp người lặn. Sáng ngày 17-2, tàu hải quân địch rập rình đổ bộ lên Bãi Chính, Bãi Lau. Bộ đội đơn vị K60, du kích và thủy thủ của ta từ bờ bắn ra rất mạnh, nhiều lần đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh. Ngay trong đêm ta rút tiểu đội ở Bãi Lau về bãi Chính, điều động thêm một đội du kích xã Hòa Hiệp, một trung đội miền đóng ở huyện Tuy Hòa cùng đơn vị K60, quân giải phóng mới thành lập hiệp sức đánh trả địch đổ bộ. Địch cho máy bay khu trục, trực thăng vũ trang đánh phá nhiều đợt, tàu địch áp sát bãi Chính đổ bộ lên bãi Bàng, ta nổ súng diệt nhiều tên. Cuộc chiến kéo dài từ ngày 17 đến 19-2 địch chết hơn 10 tên ở Suối Khế, ta có 2 du kích hy sinh, đồng chí Thiên – Thuyền trưởng bị thương.
Sáng 20 -2 máy bay pháo binh địch bắn pháo mở đường lên bãi Xép đánh vào Bùng Binh, Hang Vàng, ta dùng củi khô chất đốt hàng tấn thuốc nổ, nhiều tảng đá bắn ra tứ phía, hàng chục lính địch ngã lăn quay, chúng khiêng xác và thương binh rút xuống tàu, chấm dứt cuộc can tàu bằng đường biển. Ta thu dọn vũ khí ở kho, tiếp tục vận chuyển về căn cứ.
Đầu tháng 3 – 1965 địch dùng máy bay B52 rải bom vào núi dọc hành lang phía nam huyện Tuy Hòa suốt 10 ngày đêm, mỗi ngày 5,7 đợt. Ngày 19-3 địch cho 30 xe M113 từ Thạch Tuân càn xuống phía đông, máy bay khu trục ném bom trong núi, ngoài làng, tiêu hủy toàn bộ thôn Lạc Long. Bộ đội huyện phối hợp du kích chống càn bắn cháy 2 xe M113 diệt nhiều địch.
Trong đợt này một trung đoàn ngụy có máy bay trợ chiến phối hợp càn quét Hòa Hiệp. Bộ đội địa phương và du kích xã Hòa Hiệp diệt 81 tên địch có 2 cố vẫn Mỹ, giữ vững vùng giải phóng, ta hy sinh 15 chiến sĩ.
Tiếp nhận vũ khí viện trợ từ miền Bắc XHCN chuyển vào, chiến sĩ, cán bộ, đồng bào Phú Yên đã tập trung sức lực, mồ hôi xương máu chịu đựng tàn phá của địch liên tục trong suốt 5 tháng liền, vùa lo cho minhfm vừa làm nhiệm vụ chi viện cho các tỉnh bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trước tình hình vùng giải phóng mở rộng, lực lượng vũ trang phát triển đông đảo nhất là lực lượng du kích ở các xã Hòa Mỹ, Hòa Phong, Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Xuân, Hòa Hiệp, mỗi xã có một trung đội để có đủ vũ khí trang bị cho hàng vạn du kích mới phát triển trong tỉnh và các tỉnh bạn, Vũng Rô được cấp trên chọn làm cửa khẩu để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện vào bằng đường biển, ban tổ chức đón nhận hàng được thành lập do đồng chí Trần Suyền phụ trách. K60 được Phân khu nam điều đến để cùng B tập trung miền đông huyện Tuy Hòa làm nhiệm vụ bảo vệ cảng. Ngoài vũ khí chiến đấu ban tổ chức đón nhận hàng còn được trang bị đài 15 oát để liên lạc với Khu ủy 5 và với tàu, để phục vụ cho việc bốc dỡ, chuyển đi chôn dấu, hàng trăm đảng viên, đoàn viên thanh niên ở các thôn Thọ Lâm, Đa Ngư, Phú Lạc (Hòa Hiệp) và hai thôn Phước Giang, Lạc Long (Hòa Xuân) cùng nhiều thuyền máy được huy động từ Lò Ba đến Vũng Rô. Một đêm đầu tháng 12.1964 chuyến tàu đầu tiên đã được cập bến an toàn, bằng cây và dây rừng, một chiếc cầu tàu đã làm xong trong mười phút, sau hai tiếng đồng hồ 75 tấn hàng quân sự được chuyển hết lên bờ. 12 giờ khuya tàu rời bến ra khơi, số vũ khí trên tàu được chuyển về các kho Bãi Bàng, Tổng Ân, Hàng Vàng, Bầu Le, Hóc Ráy, về sau một phần số vũ khí trên được chuyển đến các tỉnh Đắc Lắc, Khánh Hòa, chuyến thứ 2, thứ 3 đều trót lọt đến chuyến thứ tư vì tàu vào bến muộn nên bị lộ, đến 5h sáng mới chuyển được một phần ba số vũ khí lên bờ. Mặc dù tàu được ngụy trang chu đáo nhưng đến 5h30p hai máy bay Morane của địch đã phát hiện được tàu, chúng đã gọi hai máy bay đến bắn phá, biết không bảo vệ được nữa, các đồng chí thủy thủ đã dùng thuốc nổ phá hủy tàu để xóa dấu vết. Ngày 19 – 2 – 1965 địch dùng trung đoàn 47 do tên Vĩnh Lộc chỉ huy mở cuộc càn quét vào vùng giải phóng 2 xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân và khu vực Vũng Rô.
Tại Hòa Hiệp du kích xã cùng với bộ đội địa phương chặn đánh các mũi tiến quân của địch, mặc dù chúng có xe bọc thép và máy bay yểm trợ, tại núi Quéo địch đã vấp phải sự đánh trả mãnh liệt của quân dân Hòa Hiệp. Em Hồ Tấn Phần một thiếu nhi du kích đã anh dũng chiến đấu và trở thành dũng sĩ. Trận chiến đấu kéo dài hai ngày đêm liền, mặc dù địch dội nhiều bom phá, bom napan và cả đến chất độc nhưng chúng vẫn không khỏi bị tiêu diệt, 200 tên địch phải đền tội, 1 máy bay B57 bị bắn rơi trong khi đó tại Vũng Rô các chiến sĩ bảo vệ cảng đã chiến đấu với địch rất anh dũng, diệt hàng trăm tên nhưng vì quân địch quá đông nên chúng đã cướp được một số vũ khí của ta. Nhân việc này địch la lối rùm beng trên báo chí, trên đài phát thanh về cái gọi là “SỰ KIỆN VŨNG RÔ”.
Sau khi tiếp nhận được một số súng đạn từ miền Bắc chuyển vào qua cảng Vũng Rô, huyện đội Tuy Hòa đã tổ chức lễ trao vũ khí cho du kích tại Mỹ Xuân, xã Hòa Thịnh, với lực lượng 1.500 du kích trao vũ khí trong toàn huyện đã góp phần chi viện cho các xã Hòa Bình, Hòa Thành, Hòa Vinh, nổi dậy, diệt ác phá kèm”.
( Trích TUY HÒA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
Ban Lịch sử Đảng huyện Tuy Hòa – 1988)
Đến giữa năm 1964, vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên đã mở rộng gần hết miền núi và phần lớn nông thôn đồng bằng. Ta làm chủ yếu nhiều đoạn bờ biển dài hàng chục kilomet. Tình hình đó cho phép tỉnh Phú Yên có thể tiếp nhận vũ khí, hàng chi viện của miền Bắc bằng đường biển. Đồng chí Trần Suyền được Đảng ủy phân khu nam cử phụ trách tổ chức đón tàu từ miền Bắc đưa vũ khí và hàng vào.
Vũng Rô xã Hòa Hiệp được chọn làm cảng cho tàu cập bến. Vũng Rô vừa có độ sâu cho tàu trọng tải lớn cập bến. Mặt khác, Hòa Hiệp là xã được giải phóng, chỉ còn thôn Phú Hiệp A, ban ngày địch có thể càn quét đến. Hòa Hiệp là xã có phong trào nhân dân du kích chiến tranh mạnh, khí thế cách mạng của nhân dân rất cao. Hơn 1000 thanh niên, du kích được chọn lựa đi làm nhiệm vụ làm cầu cảng, bốc hàng dưới tàu lên bến. Cầu cảng được làm bằng cây gỗ, rải mê dài hơn 20m để tàu cập bốc hàng. Việc làm cầu được tiến hành từ xẩm tối đến trước 24 giờ đêm phải xong. Bôc hàng xong lại phải tháo gỡ, để máy bay địch không phát hiện được. Đại đội K60 của phân khu và trung đội vũ trang miền Đông của huyện Tuy Hòa 1, do đồng chí Lĩnh chỉ huy được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực Vũng Rô.
1h sáng ngày 5 tháng 12 năm 1964, chuyến tàu “không số” đầu tiên xuất phát tù cảng HairPhongf chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh theo “ con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” vượt bao khó khăn nguy hiểm đã cập bến Vũng Rô an toàn. Hơn 1000 nam nữ thanh niên Hòa Hiệp, cán bộ, chiến sĩ các lực lực lượng vũ trang chờ sẵn trên bờ, nhìn thấy con tàu của ta từ miền Bắc XHCN vào vui mừng khôn xiết. Cán bộ, anh chị em thanh niên du kích và anh em thủy thủ trên tàu ôm nhau thắm thiết như những người thương xa nhau lâu ngày gặp lại. Công việc bốc hàng lên bờ được tiến hành hết sức khẩn trương. Đến 2h sáng, tàu rời cảng Vũng Rô trở ra miền Bắc. Phần lớn vũ khí được du kích các huyện trong tỉnh chuyển ngay trong đêm, lên khỏi quốc lộ 1, đưa về căn cứ.
Chuyến tàu thứ 2 vào đêm 25 tháng 12 năm 1964 và chuyến thứ 3 vào đêm 10 tháng 1 năm 1965, mỗi chuyến chở gần 60 tấn vũ khí đều cập bến Vũng rô và trở về miền Bắc an toàn. Phân khu đã kịp thời phân phối gần 1 vạn khẩu súng các loại và hàng chục tấn đạn, thuốc nổ, thuốc chữa bệnh cho lực lượng vũ trang Phú Yên, Khánh Hòa và Đắc Lắc.
Lúc này lực lượng du kích toàn tỉnh Phú Yên có 3987 người nhưng chỉ được trang bị 468 khẩu súng các loại. Do vậy ngay sau khi nhận được vũ khí miền Bắc chi viện, tỉnh đội đem hơn 2000 khẩu súng trường 7 ly 9 trang bị cho du kích.
Đêm 25 tháng 1 năm 1965, chuyến tàu thứ 4 chở vũ khí lại cập bến Vũng Rô. Nhưng lần này vì gặp khó khăn trên đường đi nên tàu vào chậm mất 2 giờ. Sau khi bốc vũ khí xong thì tàu không còn đủ thời gian để ra hải phận Quốc tế trở về Bắc. Vì vậy, tàu phải đậu lại ở bến Bãi Chùa. Do ta ngụy trang tàu chưa được tốt, nên chiều hôm đó máy bay trinh sát địch phát hiện bắn hỏng tàu. Đêm 26 tháng 1, ta dùng thuốc nổ phá hủy tàu. Sáng ngày 27 tháng 1, tên tướng Vĩnh Lộc trực tiếp chỉ huy trung đoàn 46 ngụy mở cuộc càn quét lớn ra Vũng Rô. Đại đội K60 và trung đội Miền Đông (Tuy Hòa) chặn đánh địch quyết liệt, diệt hàng trăm tên, nhưng địch quá đông nên các chiến sĩ ta phải dùng thuốc nổ phá hủy phần lớn số vũ khí chuyến tàu thứ 4 chưa kịp chuyển lên căn cứ. Địch hoảng sợ trước việc ta dùng tàu “không số” để chi viện cho quân dân miền Nam. Chúng la lối ầm ĩ cái gọi là “sự kiện Vũng Rô”.
(Theo tài liệu của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên)
TIẾP NHẬN VŨ KHÍ TẠI VŨNG RÔ.
Trong thời gian này, Trung ương chi viện vũ khí cho Liên tỉnh 3 và phân khu Nam. Bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tàu 100 tấn chở vũ khí cập cảng Vũng Rô. Đồng chí Trần Suyền - Ủy viên Liên Tỉnh ủy 3 được phân công tổ chức tiếp nhận vũ khí. Nhân dân xã Hòa Hiệp và các xã: Hòa Xuân, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Thịnh… lo chuyên chở, cất giấu vũ khí, tàu chở đến chuyến tàu thứ 4 thì bị lộ. Bọn địch hoảng hốt, gọi là “sự kiện Vũng Rô”, khủng bố dã man nhân dân hai thôn Đa Ngư, Phú Lạc ra sức sục sạo khui lục, tìm kiếm, nhưng chúng đã hoài công không phát hiện được một khi vũ khí nào của ta. Trái lại, số vũ khí quý báu ấy vẫn được nhân dân bảo vệ chu đáo. Một số được phân phối cho tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc. Có số vũ khí mới, lực lượng vũ trang của tỉnh phát triển nhanh chóng.
Phú Yên vừa lo cho mình, vừa đảm nhiệm một phần không nhỏ về hậu cần chi viện cho các tỉnh bạn. Một đại đội mạnh của địa phương và cán bộ đội vũ trang công tác có kinh nghiệm diệt ác phá kèm, đấu tranh chính trị, binh vận được đưa vào tăng cường cho Khánh Hòa, Phú Yên và Khánh Hòa quan hệ gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và càng gắn bó nhau hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng bào các dân tộc Khánh Hòa ra Phú Yên mang về không chỉ vũ khí mà còn có lương thực và các nhu yếu phẩm khác mà nhân dân Phú Yên ủng hộ với tinh thần gắn bó, ruột thịt.
(Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Yên)
NHẬN HÀNG Ở VŨNG RÔ.
Trong tình hình thuận lợi đang phát triển, quân khu báo cho biết là chuẩn bị vị trí để nhận hàng viện trợ bằng đường biển. Tỉnh giao cho Tuy Hòa I và có liên tỉnh ở gần giúp đỡ lo việc này. Vị trí sau cùng được xác định là Vũng Rô. Vũng Rô ở chân phía Nam núi Đá Bia, một vùng nước tương đối sâu có một dãy núi dài che trước mặt nên mùa biển động gặp gió bão tàu thuyền đều vào núp được.
Mùa gió Bắc biển động, sóng to nhưng ở đây mặt trước phẳng lặng, thỉnh thoảng có con cá nhái nhảy xao nước, xen kẽ có những bãi cát nhỏ trắng. Bãi Chính là bãi rộng hơn cả, bãi Mù U và nhiều bãi khác, những bãi này thường nằm ở đầu những con suối nhỏ, nước mát ngọt từ núi chảy ra. Đứng từ bãi Chính ngó về phía Nam thấy hòn Nưa đứng giữa nước xanh. Dọc theo chân dãy núi chắn trước mặt có rất nhiều rặng san hô. Dân cư xung quanh vắng vẻ, chỉ xa xa về phía Nam có ấp Đại Lãnh, đến mùa biển động thì có một số dân biển ở Tuy An và Tuy Hòa vào làm cá trong vùng.
Từ bãi Xép căn cứ miền Đông của Tuy Hòa có con đường mòn đi theo chân núi Hòn Bà, Hòn Bia đến mũi Điện và vào đến bãi chính Vũng Rô.
Lực lượng phục vụ cho công tác đón nhận hàng đương biển dựa vào nhân dân mấy thôn giải phóng của Hòa Hiêp: Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba và mấy thôn của Hòa Xuân: Phước Giang, Đạc Long. Người đi lại trên dọc đường Bãi Xép, Bãi Chính đông lên, thuyền đánh cá, thuyền gắn máy cũng được huy động chạy từ Lò Ba vào đến Vũng Rô. Phải tổ chức hai đội thanh niên xung phong để chuyên trách bốc vác, phải tìm xung quanh chân Hòn Bà, Hòn Bia những hang để tạm cất giấu hàng trong khi chưa chuyển đi xa kịp.
Công tác nắm dân xung quanh Vũng Rô là một việc nặng nề phức tạp. Ngoài việc nắm số dân làm ăn trên mặt nước, còn phải nắm số dân trên bờ. Phải thành lập tổ công tác để xây dựng cơ sở Đại Lãnh. Có lần ta đã đánh tan 1 trung đội dân vệ, làm chủ vùng này nhưng địch lại lùa dân đi về phía Tu Bông.
Ám tín hiệu đã hẹn sẵn, đến ngày đón ta đưa một thuyền máy đến cửa Vũng Rô để đón. Một chiếc tàu từ biển khơi trong đêm tối, rẽ nước nhè nhẹ chạy vào cửa. Đúng ám tín hiệu tàu chạy chậm lại, một đồng chí của ta từ thuyền máy bước lên tàu để sơ bộ báo tình hình, một đồng chí khác lái thuyền máy chạy trước hướng dân đường đi cho tàu vào bến.
Ngay tại trước bãi Chính, cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong đang hì hục làm cái cầu tạm để xuống hàng. Cây rừng, dây rừng chuẩn bị trong 2 ngày trước, trời mùa đông nhưng ai nấy lặn hụp dưới nước nói cười không biết lạnh.
Tàu vào bến thả neo cập sát cầu, mọi người ngạc nhiên mừng ra nước mắt. Anh em chào hỏi, bắt tay và bốc dỡ hàng ngày. Đến 10h đêm, các đồng chí thủy thủ tuy mệt, nhưng cũng ra tay xếp hàng không kịp nghỉ. Hàng xuống tại cầu và xuống các thuyền kẹp xung quanh tàu cho kịp. Thanh niên đứng thành dây chuyền chuyển hàng từ cầu vào đến bãi đầu bìa rừng. Xuống hàng xong phải bốc cát, đá đổ lại để giằng tàu. Mọi việc làm xong là 4h sáng. Phải đưa tàu đi ngụy trang.
Tàu loại nhỏ này chỉ chở được 100 tấn trở lại chạy lanh, khỏe, có trang bị hỏa lực. Buồng chỉ huy, phòng thủy thủ nghỉ trang tri gọn gàng. Đoàn thủy thủ hầu hết là người miền Nam. Đồng chí Hồ Văn Thạnh, thuyền trưởng quê ở thị xã Tuy Hòa, người lanh lợi, xoay xở, đồng chí đã đi nhiều chuyến thành công. Lần này phục vụ trực tiếp cho quê hương, đồng chí hết sức vui lòng. Trong thủy thủ có đồng chí Tự, người quê xã Hòa Hiệp, đồng chí Thanh người quê xã Xuân Thọ cũng tíu tít hỏi thăm về tình hình quê nhà. Tàu nghỉ lại một ngày an toàn, chiều hôm sau chuẩn bị rời bến, mang theo một số quả dừa non để uống nước do cán bộ xã Hòa Hiệp gửi tặng, một số cây giây cầu tàu để kỷ niệm cái cầu tàu đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, trong lịch sử hàng hải của ta, một số ốc, san hô của Vũng Rô, con sóc đỏ dạ, con sóc heo của rừng đá bia…
Có súng đạn trang bị ngay cho du kích, một số súng được chuyển cho Khánh Hòa, Đắc Lắc. Tiếng đồn tàu thủy ta chở hàng vào không ai bảo mà chuyển nhanh các nơi. Những vùng trực tiếp như Tuy Hòa I, Hòa Hiệp vẻ mặt hân hoan trong cán bộ quần chúng lộ rõ.
Chuyến thứ hai đến nơi đúng vào dịp tết 1964-1965, tàu có mang theo một số quà tết cho các bộ cơ quan quân dân Phú Yên. Chuyến thứ ba cũng trót lọt tốt. Chuyến thứ tư thì bị lộ và chấm dứt từ đây. Từ chuyến thứ hai địch đã đánh hơi, chúng khủng bố đẫm máu thôn Phú Lạc, dùng máy bay đi thả bom, dùng trực thăng bắn rốc-két, làm cho gần 100 đồng bào bị chết và bị thương vào dịp 28 tết. Địch đánh phá cảng bí mật của ta, và tiếp sau là xây dựng thành cảng quân sự , một bộ phận hợp thành căn cứ quân sự liên hợp Vũng Rô – Đông Tác, gồm có cảng Vũng Rô, đường ống dẫn đầu và đường xe vận tải Vũng Rô – Phú Hiệp, sân bay phản lực Đông Tác, sân bay vận tải C130, sân bay trực thăng, khu kho Phú Hiệp, phục vụ cho quân viễn chinh Mỹ và chư hầu nhảy vào miền Nam Việt Nam. Vũng Rô trở thành cửa ngõ ra đại dương trực tiếp của Tuy Hòa”.
( Trích Hồi ký QUÊ HƯƠNG ANH DŨNG của đồng chí Trần Suyền – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khu V, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Phú Yên 1961 – 1963 và 1966 – 1973)
TÀI LIỆU THAM KHẢO (Đọc “ HỒI KÝ TÀU VÀO VŨNG RÔ” – Đ/c Nguyễn Phụng Minh).
Vào một đêm đầu tháng 7 năm 1963 tại vùng căn cứ miền tây Phú Yên, trời mưa xối xả, đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy nằm trên võng dù, dưới mái lều ni lông, đang áp tai sát máy thu thanh nghe bảng tin cuối cùng trong ngày. Bỗng nhiên, có ánh đèn pin tròn bằng hạt mít từ dưới suối đi lên. Đồng chí cơ yếu trình điện hỏa tốc của khu ủy. Đồng chí Trần Suyền vội vã cầm xem, nét mặt luôn nghiệm nghị của đồng chí rạng rỡ hẳn lên. Đồng chí với lấy chiếc xắc cốt treo ở đầu võng, hí hoáy rút từ trong đó ra một tấm bản đồ Phú Yên, đặt lên đùi, tay cầm đèn pin soi đi soi lại theo chiều dài đèo Cù Mông đến Mũi Nạy. Nỗi mong chờ từ lâu của Đảng bộ, chiến sĩ được cấp trên đặt ra giải quyết. Tuy bức điện mới đề cập đến việc cử người thạo vùng biển ra miền Bắc để hướng dẫn tàu vào, lòng đồng chí đã rạo rực, trăn trở suốt đêm không ngủ được. Trong đầu đồng chí hiện lên những đợt tố Cộng đẫm máu của Mỹ-Diệm. Hàng ngàn đồng bào, đồng chí bị đem ra trường bắn, bị bỏ vào bao tải và thả xuống sông Bàn Thạch, bị nhốt kín vào trong những nhà tù mọc lên khắp cùng thôn xóm như nấm độc. Những đêm rầm rập bước chân chiến sĩ, đồng bào, với súng bẹ dừa, tàu chuối truy lùng bọn ác ôn, nổi dậy đồng khởi, trên những con đường ngập nước của Hòa Thịnh, Hòa Mỹ… Nhân dân Phú Yên cùng với cả miền Nam đứng lên đấu tranh vũ trang, làm cách mạng giải phóng dân tộc. Những khẩu súng được chôn cất dưới lòng đất trong những ngày địch tố Cộng được đàolên, nhũng con dào rỉ mòn trên gác bếp được mài lại sáng quắc. Chúng ta có lòng quyết tâm nhưng lại thiếu vũ khí hiện đại. Trước tình hình ấy, từ tháng 10 năm 1961 Trung ương đã lập đoàn vận tải bằng đường biển để chi viện vũ khí vào miền Nam. Nhiều chuyến tàu đã vào đến Mũi Cà Mau. Nghe tin ấy, cả Khu 5, cả Phú Yên sốt ruột mong chờ đến lượt mình được chi viện. Giờ đây … đồng chí Bí thư lại trở mình. Có tiếng gà rừng gáy đâu đây. Bầu trời rạng sáng dần, những cơn mưa vẫn điên cuồng trút nước. Gió giật bốn góc ni lông phần phật, thỉnh thoảng những vũng nước đọng trên tăng đổ ào xuống…
Mờ sáng, giao liên của Tỉnh ủy đã luồn rừng, mang thư đồng chí Bí thư tỉnh ủy mời các ủy viên Thường vụ đến bàn công tác “hỏa tốc”…
Chấp hành chỉ thị của cấp trên , Ban thường vụ tỉnh ủy Phú Yên quyết định cử một đồng chí thạo vùng biển ra Bắc để hướng dẫn tàu vào.
Tháng 8 năm 1963, tổ chức thứ nhất gồm ba đồng chí là Lê Kim Tự, Trần Kiên, Lê Xuân, quê xã Hòa Hiệp huyện Tuy Hòa lên đường ra Bắc. Ba đồng chí đều sống bằng nghề chài lưới từ tấm bé. Trong chín năm chống Pháp, họ đã cùng cha anh bám biển, giành giật với tàu chiến Pháp từng con cá để đổi lấy bát cơm. Từ khi Mỹ - Diệm đến, họ cùng bà con đấu tranh vạch mặt chúng trong những đợt tố cộng. Sau ngày đồng khởi, họ tham gia du kích xã rồi gia nhập quân giải phóng. Khi đồng chí Bí thư chi bộ giao cho họ đi làm nhiệm vụ “đặc biệt” thì họ hối hả lên đường, không hề hỏi “làm việc gì” và “ở đâu”.
Vì giao thông cách trở, tổ chức thứ hai gồm hai đồng chí Trần Mỹ Thành và Phạm Dợn, quê ở Sông Cầu, hai tháng sau mới đến được cơ quan Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Suyền ra tận bờ suối thân mật bắt tay hai người lưng đeo túi vải vừa vượt qua dốc vừa đẫm mồ hôi.
Chiều hôm ấy, bên mảnh ni lông vuông trải lên nền đất giữa căn lều, đồng chí Trần Suyền cùng Thành, Dợn ngồi quanh ăng gô cơm, đĩa mắm ruốc và xoong canh rau rừng, gọi là bữa cơm liên hoan tiễn nhau. Bí thư Tỉnh ủy nói chậm rãi thân mật:
- Hai đồng chí nghe tin đảo chính Diệm chưa? Mỹ làm đảo chính giết Diệm – Nhu rồi.
Nhìn hai người, đồng chí nói tiếp:
- Bây giờ công việc nhiều lắm. Người nào việc ấy phải làm thật tốt. Nhiệm vụ của hai đồng chí cũng quan trọng và phải rất khẩn trương.
Ngay tối hôm đó, Thành, Dợn bắt tay chuẩn bị lên đường. Mỗi người “ ưu tiên” được lãnh hai chục lon muối cấp đi đường.
Mờ sáng hai người đã ba lô trên vai theo giao liên đi về hướng Tây, ra Bắc, lòng rộn ràng trăm mối. Bao nhiêu năm chui hầm, núp bụi, nhịn đói nhịn khát, gờ đây xóm làng nổi dậy giải phóng, các anh lại phải lặn lội rừng sâu. Ngày nay qua ngày khác, hai người hết leo dốc lại lội suối. Mỗi ngày họ ăn một lon gạo ghé sắn với thức ăn duy nhất là muối trắng….
GỬI VŨNG RÔ
Tôi đến Vũng Rô một chiều xuân ấm áp
Sau hai mươi năm bận công tác – chưa về
Nơi đây, mỗi góc núi bờ khe
Đều in đậm trong tôi bao kỷ niệm
Ngày ấy… Vũng Rô còn giặc chiếm
Bót đồn giăng khép kín mọi lối về
Nỗi hờn căm bao tang tóc thảm thê
Lên tiếng gọi chúng tôi về “tiếp máu”
Đáp tiếng gọi của quê hương yêu dấu
Tôi lên đường bao nung nấu hờn căm
Trên con tàu – chúng tôi là chiến sĩ hải quân
Chở vũ khí tiếp cho quê hương mình đánh giặc
Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách
Chỉ mấy ngày đường – Vạch giới tuyến cắt đôi
Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi
Bằng con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển
Phút gặp gỡ ôi biết bao trìu mến
Giữa bót đồn ta gặp mặt hôm nay
Vũ khí này – quà miền Bắc trao tay
Mang nặng nghĩa tình dân ý Bác
Trọn một ngày sống trong tình quê dào dạt
Mặc quân thù nhớn nhác tìm vết tàu đi
Vũng Rô đây bao cây lá xanh rì
Ôm ấp chở che tàu ta dưới vòm cổ thụ
Nỗi vui sướng tôi reo lên thích thú
Khi nghe câu “Làm sao nẫu biết nẫu vào”
Anh Sáu ôm tôi, cái nắng hạn được mưa rào
Hãy cố gắng để mau vào chuyến nữa
Rồi, chuyện tâm tình chuyện quê hương xứ sở
Chuyện quân thù gây ra ở Chí Thạnh – Ngân Sơn
Chuyện vũ trang phá ấp chống càn
Của du kích thôn B xã Hòa Hiệp
Chuyện lại chuyện thi nhau kể tiếp
Chuyện đánh đồn tiêu diệt lũ ác ôn
Vẳng nghe đâu đây tiếng trống mõ dập dồn
Của quê hương mình trong đêm đồng khởi
Chuyện ruộng đồng chuyện làm thủy lợi
Chuyện dâu tằm rồi tới chuyện trồng bông
Nhìn hòn đá bia như một bức thành đồng
Của Phú Yên – Khánh Hòa kiên cường bất khuất
Sau lần ấy lòng tôi luôn thôi thúc
Hãy lên đường về với Vũng Rô
Tàu nẫu ra rồi tàu nẫu lại dô
Đã bao lần chúng tôi đáp lời quê hương gọi
Hôm nay lòng tôi ngập tràn phấn khởi
Tôi ôm hòn mảnh đất Vũng Rô
Nắm đất năm xưa khi tàu tôi chuẩn bị tách bờ
Bà con gởi theo tàu đi ra Bắc
Mảnh đất ấy hôm nay tôi được nhìn tận mắt
Qua chặng đường dài xa cách hai mươi năm
Vũng Rô ơi! tôi nhớ mãi trong lòng
Những kỷ niệm về người và con tàu “không số”
HỒ ĐẮC THẠNH
KẾT LUẬN:
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng, quân và dân ta đã lập nên biết bao kỳ tích vẻ vang. Trong những kỳ tích ấy phải kể đến chiến công vĩ đại vận chuyển hàng chục tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, điều chuyển nhiều trung đoàn, sư đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc XHCN vào tiền tuyến lớn miền Nam xa hàng ngàn cây số, xuyên qua vùng địch, sự kiểm soát, tuần tra đánh phá của hàng ngàn máy bay tàu chiến và các phương tiện điện tử hiện đại của đế quốc Mỹ. Trong công cuộc vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường, việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với các chiến trường xa trong những năm phong trào cách mạng ở miền Nam còn nhiều khó khăn, đường Trường Sơn chưa phát triển. Chính vì vậy mà mọi người thường gọi đường biển vận chuyển vũ khí với cái tên rất trân trọng, tự hào và trìu mến “Đường Hồ Chí Minh trên biển” “Đường chiến lược thứ hai chi viện miền Nam đánh Mỹ”.
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” thể hiện quyết tâm sắt đá, lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo tuyệt vời của quân và dân ta.
Trong những năm 1963, 1964, 1965, phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung và ở các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng đều phát triển mạnh, giành nhiều thắng lợi to lớn, lớp lớp thanh niên nam nữ hăng hái tham gia du kích, xung phong gia nhập quân giải phóng, nhưng vũ khí, đạn dược rất thiếu. Trước tình hình đó, việc vận chuyển vũ khí từ hậu phương miền Bắc XHCN vào chi viện chiến trường là một yêu cầu cấp bách. Trong công cuộc vận chuyển vũ khí Trung ương chi viện chiến trường Nam Trung Bộ bằng đường biển, bến Vũng Rô là một bến quan trọng. Trong một thời gian ngắn, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến tàu. Vũng rô là chiến công đáng tự hào của Hải quân ta, của cán bộ và quân, dân Nam Trung Bộ và tỉnh Phú Yên. Vượt qua vòng phong tỏa của Mỹ - ngụy đưa hàng ngàn tấn vũ khí bằng đường biển vào đến chiến trường là công việc cực kỳ khó khắn, nguy hiểm. Nhưng tại vùng địch, trong thế ta và địch cài răng lược, việc tiếp nhận, cất giấu, mang vác súng đạn về đến địa phương, đơn vị xa hàng chục, hàng trăm cây số cũng là việc rất khó khăn phức tạp. Chiến công Vũng Rô thể hiện rõ ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, trí thông minh tuyệt vời của quân và dân Phú Yên. Vũng Rô – Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến tiêu biểu ở tỉnh Phú Yên.
THUYẾT MINH DTLS VŨNG RÔ
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho quân đội ta nói chung và lực lượng Hải quân Việt nam nói riêng. Trong lần về thăm Bộ đội Hải quân ngày 15/3/1961,Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Hải quân Việt Nam đã không tiếc máu xương bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Suốt chặng đường chống Mỹ cứu nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vang dội. Một trong những chiến công kỳ tích đó là con đường huyền thoại: ĐƯờng Hồ Chí Minh trên biển.
Ngay sau khi có Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng xác định: Con đường giải phóng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy, đấu tranh vũ trang, tiến công quân sự diễn ra khắp các địa phương ở miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, nhu cầu vũ khí là một đòi hỏi cấp bách có tính chất sống còn của phong trào cách mạng.
Cùng với đường bộ 559 vượt dãy Trường Sơn, Bộ Chính trị giao cho Tổng quân ủy nghiên cứu mở con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc Phòng ra quyết định số 97/QĐ thành lập đoàn 759 vận tải biển (tiền thân của lữ đoàn 125 vận tải quân sự hải quân ngày nay).
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào chiến trường khu V. Vì đây là hành lang chiến lược nối liền hai miền Nam Bắc và chiến trường Tây Nguyên.
Đầu năm 1964, một đoàn cán bộ Hải quân do đồng chí Hùynh Kim và Phan Võ dẫn đầu đã vào khu V, cùng với cán bộ khu V nghiên cứu địa hình, chọn điểm mở bến. Vũng Rô là địa điểm được lựa chọn.
Vũng Rô có ưu điểm nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa). Có diện tích mặt nước khỏang 17km2, độ sâu nước gần bờ từ 14 - 19m, ba mặt có núi bao bọc nên trong vịnh quanh năm êm sóng rất thuận tiện cho tàu thuyền ra vào neo đậu. Vịnh Vũng Rô lại có nhiều bãi có thể bốc dỡ hàng hóa như Bãi Chính, Bãi Lau, Bãi Chùa,…. Hơn nữa, Vũng rô lại có địa hình núi non hiểm trở, có nhiều hang động, gộp đá thuận tiện cho việc cất giấu và bảo quản vũ khí khi chuyển từ tàu vào. Lại có đường xá độc đạo thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí về căn cứ trong tỉnh.
Tuy nhiên Vũng Rô có nhược điểm là địa hình khá trống trải, không có nơi cho tàu thuyền ẩn nấp chờ bốc hàng. Quanh Vũng Rô lại có nhiều đồn bót và trạm quan sát của địch trên các đỉnh núi cao. Để vào vịnh chỉ có một cửa duy nhất giữa Hòn Nưa và Mũi La rộng khoảng 2km. Vì vậy, khi có sự cố, địch huy động lực lượng ứng phó, chốt chặn cửa vịnh là tàu ta khó thoát.
Tháng 10/1964, Trung ương giao cho Tỉnh ủy Phú yên chuẩn bị mở bến tiếp nhận vũ khí. Đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ trực tiếp lãnh đạo tổ chức bến.
Vũng Rô cũng như các bến khác ở khu V đều không có cầu cảng, không có kệnh rạch, chỉ có dãi cát tự nhiên nối biển với bờ. Vì vậy, đề đón tàu và bốc dỡ hàng hóa. Ban chỉ huy bến phải huy động hàng trăm thanh niên hai xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp chặt cây làm cầu tạm mỗi khi đón tàu vào.
Ngày 16/11/1964, Tàu 41 thuộc đoàn 125 chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh - một người con của Phú Yên và chính trị viên Trần Hòang Chiếu chỉ huy rời cảng Hải Phòng theo đường HCM trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên. 1h sáng ngày 28/11/1964, chiếc tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô an toàn. Ban chỉ huy bến huy động hơn 1000 cán bộ, đảng viên, dân công, du kích, thanh niên xung phong khẩn trương bốc dỡ hàng hóa. Trên sông Bàn Thạch, thuyền câu ngụy trang chở vũ khí ngược lên Hòa Mỹ, Hòa Thịnh để dân công đưa hàng vượt dốc Mõ vào Khánh Hòa và lên chiến trường Tây Nguyên.
Hàng hóa, vũ khí của chuyến tàu thứ nhất còn rải dọc đường từ bến về kho, thì đêm 25/12/1964, chuyến tàu thứ 2 cập bến an toàn.
Tiếp đến ngày 1/2/1965, chuyến tàu thứ 3 cập bến an toàn.
Trong vòng chưa đầu 2 tháng, từ giữa tháng 11/1964 đến đầu năm 1965, Tàu 41 thuộc đoàn 125 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy đã ba lần cập bến thành công chi viện hàng trăm tấn vũ khí, thuốc men, đạn dược cho chiến trường Khu V và Tây Nguyên.
Riêng chuyến tàu thứ 4, do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Bá Bảng chỉ huy rời cảng Hải phòng ngày 1/2/1965 chở 63 tấn hàng vào Bình Định. Nhưng do tàu địch bám sát trên biển nên phải dừng lại đảo Hải Nam 10 ngày đêm chờ thời cơ. Ngày 10/2/1965 tàu được lệnh xuất bến. Sau hai ngày lênh đênh luồn lách tránh tàu địch trên biển đông và do tình hình cập bến Bình Định gặp khó khăn. Sở chỉ huy điện cho bến Vũng Rô chuẩn bị đón chuyến hàng ngòai kế hoạch.
Ngày 15/2/1965 tàu 143 cập bến Vũng Rô nhưng do gặp sự cố trước lúc vào bờ nên đến 24h15 phút tàu mới cập bến. Tàu lớn, hàng hóa nhiều, bến và tàu dốc hết lực lượng bốc dỡ nhưng phải đến 3h30 phút sáng mới song. Khi tàu rời bến lại gặp một số rủi ro khác phải sửa đến 5h mới xong. Lúc này trời đã hừng sáng, tàu không còn thời gian rời bến.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, tàu đến trú tại Bãi Chùa, được ngụy trang như một mỏm đá nhô ra biển. Trong thời gian này, lực lượng quân chủ lực của ta phục kích đánh địch ở Đèo Nhông, Bình Định gây cho địch thiệt hại nặng nề về nhân lực, địch phải dùng máy bay trực thăng tải thương từ Qui Nhơn về Nha Trang cứu chữa.
10h30 phút ngày 16/2/1965, trên đường tải thương từ Qui NHơn về Nha Trang, địch phát hiện có một vật lạ được ngụy trang tại đây nên đã huy động lực lượng trinh sát kiểm tra. 14h30 ngày 16/2/1965, máy bay trinh sát bay thấp từ Hòn Nưa vào phóng rocket trúng vào mũi tàu làm lá cây ngụy trang bay hết, tàu lộ nguyên hình.
Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên: Bằng bất cứ giá nào cũng không để địch cướp tàu, đêm 17/2/1965 ta dùng thuyền chuyển thuốc nổ ra tàu dùng nụ xèo và dây cháy chậm để phá hủy tàu chìm xuống biển.
Bị thất bại trong việc cướp tàu chiếm lấy vũ khí, hàng hóa. Từ ngày 18/2 đến ngày 24/2/1965 địch dùng lực lượng bộ binh, xe bọc thép, kết hợp với lực lượng hải quân và không quân đánh phá ác liệt Bãi Xép, Bùng Binh, Hang Vàng và các làng lân cận, nhưng trận địa ta vẫn giữ vững, hậu cứ vẫn an toàn.
Trong trận chiến đấu đó, đã có những chiến sĩ, dân công, du kích anh dũng hy sinh bảo vệ hậu cứ an tòan.
Sau sự kiện Vũng Rô, tuyến vận tải chiến lược đường biển bị lộ. Công tác chi viện cho chiến trường miền Nam gặp nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí và quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển chấp nhận gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi sự phong tỏa của kẻ thù để tiếp tục đưa các con tàu vận chuyển vũ khí, thuốc men vượt qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đến vùng đông bắc Malaysia, vượt qua vịnh Thái Lan rồi bất ngờ đột nhập vào các bến tiếp nhận vũ khí ở Nam bộ và Nam Trung Bộ.
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 18/6/1997, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử Vũng Rô là di tích cấp quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, công trình tôn tạo di tích Tàu không số được khởi công xây dựng vào tháng 7/2010 và hoàn thành vào dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên (2011).
Tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng, diện tích 3600m2 gồm các hạng mục: Biểu tượng, sân vườn, nhà đón tiếp và đường ra nơi tàu bị phá hủy.
Bạn vui lòng đăng nhập' tại đây để gửi bình luận.