ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930) cùng với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn được thể hiện trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng tạo ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó đã được chứng minh trong thực tế bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng.
Vào nửa cuối những năm 20 của thế kỷ XX, với sự hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi tính chất cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống thực dân, phong kiến. Xu hướng cách mạng vô sản phát triển, giữ vai trò nòng cốt, trở thành dòng chủ lưu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình vận động của cách mạng theo con đường vô sản, những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 6/1929 đến tháng 01/1930) ở Việt Nam xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên, các tổ chức này lại tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng, công kích lẫn nhau gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, ở Hương Cảng (Trung Quốc), thành lập một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam..
Ngay sau khi ra đời, tuy lực lượng còn rất nhỏ bé, Đảng ta đã tuyên truyền, vận động, lãnh đạo quần chúng nhân dân phát động các phong trào cách mạng: phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; phong trào cách mạng 1936-1939 đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình cơm áo và chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945, trong đó đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, vững vàng về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề trong giải quyết nạn đói, nạn dốt và chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam (23/9/1945), cả dân tộc theo lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, buộc thực dân Pháp ký hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vừa kết thúc thì cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lại bắt đầu. Trong suốt 21 năm (1954-1975), Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng cùng toàn dân đoàn kết, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 và tiếp tục thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Sau ngày đất nước được thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng chủ trương khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước thông qua Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986). Tiếp tục các kỳ đại hội sau, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn.
Đặc biệt, khi bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước lại đương đầu với những khó khăn, thách thức mới, đó là đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, bất lợi cho sự phát triển, cùng với sự chống phá quyết liệt và ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch… Đứng trước tình hình đó, một lần nữa Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua đại dịch Covid19, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, khắc phục mọi khó khăn từng bước đưa tình hình kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và phát triển năm sau cao hơn năm trước, được thế giới đánh giá “Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế toàn cầu”; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và có những chuyển biến tích cực, ngày càng trong sạch, vững mạnh; đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin của Nhân dân; công tác đối ngoại, các hoạt động ngoại giao cấp cao của Đảng và Nhà nước được tăng cường, đẩy mạnh, tạo ra thế và lực mới phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, càng chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.
Bạn vui lòng đăng nhập' tại đây để gửi bình luận.